Âm thanh đa dạng của các loài cá

  •  
  • 1.334

Những con cá ngựa tạo ra tiếng gõ bằng chính đầu của mình

Những con cá ngựa tạo ra tiếng gõ bằng chính đầu của mình (Ảnh: snapscot.com)

Càng ngày các nhà khoa học càng phát hiện ra nhiều cơ chế lạ thường của các con cá khi tạo ra những tiếng thì thầm bí ẩn, tiếng gầm gừ hay đập thình thịch để thu hút bạn tình và xua đuổi kẻ thù.

Một trong những trường hợp kỳ lạ là những con cá ngựa tạo ra tiếng gõ bằng chính đầu của mình. Chúng gõ phần sau của sọ vào cái bờm hình ngôi sao ở phía sau.

Phát hiện này và những phát hiện khác trong những năm gần đây cho thấy âm thanh của cá không chỉ là những tiếng kêu to kéo dài mà còn là những tiếng thì thầm ngắn ngủi chỉ kéo dài 5-10 phần nghìn giây, nhà nghiên cứu Timothy Tricas tại Đại học Hawaii ở Manoa cho biết.

Hiện có hơn 25.000 loài cá, nhiều hơn bất cứ động vật có xương sống nào trong lịch sử. "Chúng ta biết đến ít nhất 1.000 loài cá tạo ra âm thanh, bằng vô số nhiều công cụ khác nhau. Trong đó chúng ta mới chỉ tìm hiểu được rất ít", Tricas nói.

Tricas và cộng sự đã tìm hiểu dòng họ cá bướm, bao gồm 126 loài với màu sắc sặc sỡ và đường nét ấn tượng sống tại các rặng san hô trên thế giới. Một nhóm trong dòng họ gồm 80 loài là những con cá duy nhất được biết đến kết hợp bong bóng - tăng khả năng nghe - với đường song song 2 bên cơ thể - giúp nhận ra sự chuyển động của nước. Điều này giống như ở con người nghe âm thanh thông qua đôi tai nối với một ít sợi tóc.

Sử dụng những máy camera dưới nước và máy ghi âm tại rặng san hô ở Hawaii, Tricas và cộng sự đã phát hiện cá bướm tạo ra vài kiểu tiếng động chỉ kéo dài 10 đến 150 phần nghìn giây bằng cách đập đuôi, gõ vây, căng vẩy, gầm gừ và nhảy nhót.

Cá bướm

Cá bướm (Ảnh: wildworldweb)

Cá bướm có thể đã kết nối bong bóng với đường gân 2 bên bởi chúng không có một cơ chế nào để tạo ra âm thanh to. Chúng chỉ có thể tạo ra những tín hiệu yếu ớt. "Chúng tôi cũng biết rằng cá bướm bơi rất gần nhau. Do chúng chỉ có thể thầm thì với nhau nên phải bơi gần mới có thể nghe được", Tricas nói.

Một loài cá khác mà các nhà khoa học đã điều tra là cá ngọc trai. Chúng sống trong các sao biển hay hải sâm. Trong khi một số loài cá giao tiếp bằng cách kéo giật bong bóng lên xuống bằng cơ, thì cá ngọc trai lại chuyển động cơ chậm hơn rất nhiều để tạo ra âm thanh mạnh với tần suất thấp nhằm thông báo sự có mặt của mình, từ sâu trong hang ổ. Đó là một hệ thống cải tiến mà chưa từng ai biết tới.

Nghiên cứu các loài cá có thể làm hé mở tia sáng về sự tiến hoá của khả năng giao tiếp và nghe, cùng các hành vi liên quan như tìm kiếm bạn đời hay bảo vệ lãnh thổ.

M.T.

Theo Livescience, Vnexpress
  • 1.334