Cá mập lưỡng tính đầu tiên mắc lưới ngư dân Đài Loan

  •  
  • 661

Con cá mập lưỡng tính vô cùng hiếm gặp do ngư dân đánh bắt ở vùng biển Đài Loan có thể lý giải hiện tượng trinh sản ở loài này.

Con cá mập spadenose Thái Bình Dương được ngư dân Đài Loan đánh bắt hồi tháng 1 năm nay chỉ dài 0,5 mét và nặng 0,4kg, theo Hakai Magazine. Mẫu vật này là một trong số ít cá mập lưỡng tính từng được tìm thấy.

Dù nhiều loài cá có khả năng chuyển giới, cá mập phát triển cơ quan sinh dục đực hoặc cái vĩnh viễn trước khi ra đời, khiến cá mập lưỡng tính trở nên rất hiếm. Các nhà nghiên cứu biết rất ít về quá trình sinh sản của cá mập, nhưng họ cho rằng tình trạng lưỡng tính có thể lý giải tại sao một số con cá mập có khả năng sinh sản vô tính. "Cá mập có thể sinh con mà không cần giao phối, giống như trinh sản. Câu hỏi là tại sao?", tiến sĩ Chris Lowe ở Đại học California, Long Beach, nói. "Chúng tôi không biết rõ về đặc điểm sinh học của cá mập đủ để trả lời câu hỏi trên".

Cá mập lưỡng tính rất hiếm gặp.
Cá mập lưỡng tính rất hiếm gặp. (Ảnh minh họa: Cultura RM).

Con cá mập lưỡng tính mắc vào lưới vét ở phía nam eo biển Đài Loan, và được kéo lên bờ ở Hạ Môn, Trung Quốc. Lúc đầu, nó trông như một con đực trưởng thành với cặp cơ quan phụ đã phát triển giống dương vật gọi là thùy bám, kéo dài từ vây bụng. Nhưng khi nghiên cứu bên trong cơ thể con vật, các nhà khoa học phát hiện nó có hai tuyến sinh dục lưỡng tính hoàn chỉnh, chứa cả mô buồng trứng và tinh hoàn. Điều này có nghĩa con vật có cả cơ quan sinh dục đực và cái.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Hạ Môn nhận thấy mỗi bộ phận sinh dục của con cá mập đã phát triển hoàn thiện, như vậy con vật có thể đóng vai trò như con đực hoặc con cái khi sinh sản. Đây là kiểu lưỡng tính hiếm gặp nhất ở cá mập, bởi phần lớn trường hợp có cơ quan sinh dục chỉ mới hình thành một phần.

Theo tiến sĩ Carl Meyer, nhà sinh vật học hải dương ở Đại học Hawaii, những con cá mập lưỡng tính như thế này vô cùng hiếm gặp. Tiến sĩ Meyer cho biết các nhà nghiên cứu chưa thể xác nhận cá mập lưỡng tính có khả năng sử dụng hiệu quả cả cơ quan sinh dục đực và cái để sinh sản hay không. Họ chưa bao giờ tìm thấy một con cá mập lưỡng tính mang phôi thai sống trong tử cung.

Một số học giả suy đoán cá mập lưỡng tính có thể là hậu quả do con người gây ra. Những nghiên cứu gần đây xem xét những đặc trưng lưỡng tính ngày càng tăng ở các loài cá tại Mỹ, một hiện tượng có thể gắn liền với sự tồn tại của estrogen và nhiều hormone khác trong nước.

"Ô nhiễm môi trường chắc chắn không phải là lý do duy nhất gây ra hiện tượng này. Những yếu tố di truyền có thể quyết định điều gì xảy ra trong suốt quá trình phát triển sinh sản. Một đột biến gene có thể dẫn tới ví dụ lưỡng tính cực hiếm ở một loài", tiến sĩ Meyer nói.

Cập nhật: 30/12/2017 Theo VNE
  • 661