Khi nghĩ đến một cây đàn guitar, có thể bạn sẽ liên tưởng đến một cây đàn thùng acoustic làm từ gỗ phong đơn giản được vô số ca sỹ và nhạc công chơi trong nhiều năm qua, hoặc bạn sẽ hình dung về những cây guitar điện được các “rocker” ưa chuộng.
Dù hình ảnh những chiếc guitar truyền thống đã “in dấu” trong tâm trí chúng ta như vậy, vẫn có những cây đàn mới thu hút sự chú ý, nhất là khi chúng được làm từ những vật liệu đặc biệt.
Rachel Rosenkrantz đã "tích hợp" tổ ong vào cây đàn guitar này. (Nguồn: CNN)
Nữ nghệ sỹ trẻ Rachel Rosenkrantz, một chuyên gia sản xuất guitar, chia sẻ với trang tin CNN về thành công của cô trong việc dùng vật liệu sinh học để chế tác những cây đàn này.
Từ những cây đàn ukulele làm từ nấm, đàn guitar làm bằng tổ ong cho đến đàn banjo làm từ da kombucha, cô đã tạo nên một bộ sưu tập nhạc cụ thú vị làm từ vật liệu sinh học có thể phân hủy.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2000, khi Rosenkrantz còn là một sinh viên 21 tuổi sống ở Thủ đô Paris của Pháp và đang phân vân lựa chọn giữa việc trở thành một nhạc sỹ hay một nghệ sỹ thị giác.
Công việc chế tạo đàn guitar đã giúp Rosenkrantz kết hợp được cả hai niềm đam mê của mình. Nhưng do những người thợ làm đàn địa phương nói rằng cô đã bắt đầu công việc này hơi muộn, dù tuổi cô còn khá trẻ, nên ban đầu cô chỉ tập trung vào việc thiết kế.
Mười năm sau đó, Rosenkrantz chuyển đến sống ở Rhode Island (Mỹ) và bắt đầu trở lại theo đuổi đam mê âm nhạc của mình. Cô bắt đầu thử bắt tay vào chế tạo đàn guitar và từ đó đến nay đã có 13 năm sản xuất đàn. “Ở tuổi 42, tôi thực sự đang thực hiện giấc mơ của mình. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu đam mê” - cô nói với CNN.
Sau khi tìm hiểu ảnh hưởng của công việc chế tạo đàn đối với một số loài cây, Rosenkrantz đã quyết định sử dụng vật liệu sinh học để sản xuất đàn.
“Mặc dù chúng tôi (những người sản xuất đàn guitar) không chiếm tỷ lệ tiêu thụ gỗ lớn, chúng tôi vẫn sẽ ‘góp phần’ gây thiệt hại cho tự nhiên” - Rosenkrantz cho biết. “Các nhà sản xuất đàn guitar thường rất cẩn trọng về nguồn gốc của loại gỗ họ sử dụng”.
Chỉ tính riêng ở Mỹ, có khoảng 2,6 triệu cây đàn guitar được sản xuất mỗi năm. Không giống như ngành xây dựng và nội thất, vốn ưa chuộng các loại cây gỗ mọc nhanh, sản xuất đàn guitar thường cần đến các loại gỗ quý hiếm và lâu năm như gụ, mun và cẩm lai.
Cây thường được xẻ vuông góc với vòng sinh trưởng của chúng để tạo ra âm thanh tốt hơn.
Nhưng để chế tạo đầy đủ phần “thùng” của mỗi cây đàn guitar, người ta sẽ phải dùng đến những khúc gỗ lớn hơn, đồng nghĩa với việc phải chặt hạ các cây cổ thụ. Và một điều quan trọng không kém là những nguyên liệu này không phải lúc nào cũng sẵn có.
Rachel Rosenkrantz chơi đàn ukulele làm từ sợi nấm. (Nguồn: CNN)
Gỗ cẩm lai Brazil từng rất được ưa chuộng để làm đàn guitar, nhưng loài cây này chỉ có ở những cánh rừng ven biển của quốc gia Nam Mỹ.
Cây cẩm lai cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn khai thác gỗ trái phép để lấy đất làm nông nghiệp và các mục đích khác. Kể từ năm 1992, việc sử dụng loại gỗ này đã bị cấm bởi Công ước về Thương mại Quốc tế Các Loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES).
Tương tự, gỗ vân sam từng được sử dụng rộng rãi để chế tạo đàn guitar acoustic. Nhưng người ta chỉ có thể khai thác loại gỗ này Rừng Quốc gia Tongass ở Alaska (Mỹ) - nơi vấn đề khai thác quá mức đang khiến một số nhà sản xuất đàn guitar chuyển hướng sang tìm kiếm những vật liệu khác hợp lý hơn.
Thời điểm khởi động công việc sản xuất đàn, Rosenkrantz đã đặt câu hỏi liệu cô có thể làm được những gì mà không cần dùng tới gỗ và nhựa.
Từ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực thiết kế, cô nhận thấy vật liệu sinh học đang được sử dụng trong mọi thứ, từ ôtô cho đến giày thể thao. Cô đã bắt đầu thử nghiệm thay thế nhựa bằng da cá - thứ cô kiếm được từ một nhà cung cấp ở Brazil.
“Da cá bền hơn và dẻo hơn nhựa. Da cá có thể dùng để làm những miếng dán chống xước mặt đàn, nó rất hợp để ‘đi với’ chất liệu gỗ” - cô cho biết.
Mycelium, cấu trúc giống rễ cây gồm các sợi mỏng do nấm tạo ra, là một loại vật liệu khác khiến Rosenkrantz chú ý. Cô phát hiện ra rằng vật liệu này có thể thay thế cho nhựa nhiệt dẻo polystyrene.
“Khả năng dẫn âm của nhựa polystyrene đáng kinh ngạc vì nó chứa đầy khí bên trong. Vậy nếu ta sử dụng vật liệu tự nhiên có đặc tính tương tự thì sao?” - cô đặt vấn đề.
Một "sáng tác" của Rachel Rosenkrantz. (Nguồn: CNN)
Rosenkrantz đã lấy sợi nấm từ một nhà cung cấp ở ngoại ô New York ( Mỹ). Cô cho biết nói rằng sợi nấm có thể được nuôi trồng thành bất kỳ hình dạng nào, nghĩa sẽ không cần đến việc “cắt gọt” gây lãng phí trong quá trình sản xuất đàn.
Cây guitar điện “Mycocaster” của cô được làm từ sợi nấm và giấy, có thêm những sợi khô như vỏ ngô để giúp thân đàn thêm cứng cáp.
Những sáng tạo của Rosenkrantz có âm thanh hơi khác so với những cây đàn guitar thông thường. Chẳng hạn, “Mycocaster” có âm thanh đanh và “nghẹt.”
“Tôi không biết cây đàn sẽ ‘cho ra’ âm sắc như vậy” - cô nói. Tuy nhiên, cô cho rằng có thể dùng những nhạc cụ “kỳ quặc” này để mang đến âm nhạc mới lạ và độc đáo. “Nếu muốn tạo ra âm thanh mới, chúng ta có thể thử bắt đầu với các loại vật liệu chưa ai sử dụng.”
Với “Mycocaster,” Rosenkrantz cũng “tích hợp” thêm một số bộ thu âm và micro vào thân sợi nấm để người chơi đàn có thể điều chỉnh “âm thanh nấm” theo mong muốn.
Một số khách hàng của cô có những yêu cầu “khác lạ.” Một nhạc sỹ sáng tác nhạc phim đã yêu cầu “thứ gì đó có thể phát ra âm thanh giống nhiều loại nhạc cụ”. Vì vậy, Rosenkrantz đã chế tạo một cây guitar điện chín dây với âm thanh “baritone” (tạm dịch: “giọng nam trung”) được làm từ da cá thừa.
Tuy nhiên, giá của những cây đàn guitar được làm theo yêu cầu này không hề rẻ. “Mycocaster” hiện có giá 4.000 USD và Rosenkrantz có ba đơn đặt hàng cho cây đàn này.
Rosenkrantz cho biết cô muốn giảm chi phí sản xuất đàn, nhưng “sẽ cần sự hỗ trợ từ một nhà sản xuất lớn hơn để có thể làm điều đó”.
“Tôi muốn cây đàn có giá chừng 50 USD và mọi đứa trẻ đều có thể mua được một chiếc. Có lẽ cây đàn guitar hình nấm sẽ là một cách để tôi đạt được ước mơ của mình”, Rosenkrantz nói.
“Tôi có niềm tin vào triển vọng của công việc này. Những gì được coi là kỳ lạ ngày hôm nay có thể sẽ không còn kỳ lạ vào ngày mai” - cô chia sẻ thêm.