Cứ 6 ca mắc bệnh ung thư thì lại có một người là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng mà lẽ ra, hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ nhiều biện pháp khác nhau.
>>> Liệu pháp mới, hiệu quả trong điều trị ung thư
Trang DailyMail đưa tin, một nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu Ung thư Pháp tiết lộ, có tới 7,5 triệu người tử vong vì ung thư trên toàn thế giới trong năm 2008. 1,5 triệu trong đó mắc bệnh là do các tác nhân truyền nhiễm vốn có thể chữa được hoặc ngăn ngừa được. 80% các ca ung thư do truyền nhiễm phân bố ở các nước đang phát triển.
Những biện pháp như tiêm vaccnine, điều trị kháng sinh... sẽ có thể góp phần đáng kể trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư liên quan đến HPV, viêm gan B và C.
Chuyên gia Catherine de Martel cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa phổ biến như vaccine, thay mũi tiêm mới hay điều trị kháng sinh quyết liệt hơn sẽ “có tác dụng đáng kể đến đại dịch ung thư toàn cầu”. Những ca ung thư liên quan đến virus gây ung thư cổ tử cung HPV, viêm gan B và C, khuẩn Helicobacter gây loét dạ dầy... trên thực tế đều có thể phòng tránh được.
Khoảng 16% tổng số bệnh nhân ung thư trên thế giới trong năm 2008 có liên quan đến các tác nhân truyền nhiễm, tuy nhiên, tỷ lệ này ở các nước đang phát triển cao gấp ba lần so với ở các nước phát triển. Đơn cử, ở Úc và New Zealand chỉ ghi nhận khoảng 3,3% trường hợp trong khi ở vùng sa mạc Sahara châu Phi, tỷ lệ này vọt len mức 32,7%.
“Tuy ung thư luôn được coi là căn bệnh khó chữa khỏi, nhưng một tỷ lệ đáng kể nguyên nhân gây bệnh là do truyền nhiễm. Những liều vaccine giá tương đối rẻ dành cho HPV và HBV hiện đang được phân phối đều đạt hiệu quả cao và chúng có thể giúp cải thiện tình hình rõ rệt tại các nước đang phát triển”, bà Catherine nhận định.