Ngày 23/12, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và công nghệ đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong năm 2014.
>>> 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật 2014
Theo đánh giá của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, năm 2014 đã ghi nhận nhiều hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam cả ở trong nước và quốc tế.
10 sự kiện tiêu biểu lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam 2014 gồm:
1. Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân La Hay, Hà Lan tháng 3/2014. Hội nghị lần này với sự tham dự của 53 nước và 4 tổ chức quốc tế được cho là rất thành công với việc các nhà lãnh đạo cùng cam kết ngăn chặn khủng bố hạt nhân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị và đọc tham luận tại Phiên toàn thể.
2. Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân đã được ký tại Hà Nội ngày 6/5/2014 và có hiệu lực từ ngày 3/10/2014.
Máy chụp ảnh có phóng xạ được đựng trong thùng bảo vệ kỹ để mang đi - (Ảnh: TTO)
Việc ký kết Hiệp định đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình từ nhiều năm qua, đồng thời mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, đặc biệt là hợp tác phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
3. Việt Nam hoàn thành xuất sắc cương vị Chủ tịch Hội đồng thống đốc của IAEA nhiệm kỳ 2013-2014.
Thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch đã để lại các kết quả quan trọng cho hoạt động của IAEA và nâng cao đáng kể vị thế của Việt Nam tại IAEA cũng như diễn đàn quốc tế, tạo cơ hội thuận lợi lớn để có thể tranh thủ các hỗ trợ của IAEA.
4. Việt Nam nhận 3 giải thưởng thành tựu do IAEA trao tặng trong đó có 1 giải thưởng thành tựu xuất sắc của IAEA và FAO trong lĩnh vực đột biến tạo giống lúa trong tổng số 23 giải thưởng của toàn thế giới.
5. Đoàn đánh giá tích hợp pháp quy hạt nhân (IRRS), Đoàn đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (INIR) và Đoàn đánh giá kế hoạch hỗ trợ tích hợp an ninh hạt nhân (INSSP) của IAEA đã đến làm việc với Việt Nam để xem xét đánh giá công tác chuẩn bị của Việt Nam phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân.
6. Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng hạ tầng pháp quy cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và giúp bạn khảo sát phóng xạ môi trường thành phố Viên Chăn, qua đó đã giúp bạn phát hiện và thu hồi các nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát, tránh được rủi ro chiếu xạ lâu dài cho người dân.
7. Khởi công xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 ngày 12/12/2014. Việc khởi công xây dựng hệ thống cấp điện đã ghi nhận một dấu mốc quan trọng của quá trình triển khai công trình xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
8. Đại hội Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhiệm kỳ II đã thành công tốt đẹp và bầu ra Ban chấp hành mới để thúc đẩy các hoạt động phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân ở Việt Nam.
9. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 quy định Chế độ ưu đãi nghề nghiệp đối với người làm việc trong các đơn vị thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Bộ Khoa học và Công nghệ.
10. Sự cố mất nguồn phóng xạ của công ty APAVE tháng 9/2014. Đây là bài học kinh nghiệm về công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ, mặc dù nguồn phóng xạ đã nhanh chóng được tìm lại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.
Sau sự cố này Bộ Khoa học và công nghệ đã kịp thời chấn chính công tác quản lý an ninh nguồn phóng xạ bằng Chỉ thị của Bộ trưởng và tiến hành sửa đổi bổ sung Thông tư 23/2010/TT-BKHCN về quản lý an ninh nguồn phóng xạ, trong đó yêu cầu các nguồn phóng xạ di động có hoạt động lớn sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và khi vận chuyển phải có hệ thống giám sát an ninh.