10 sự kiện khoa học, sức khoẻ tiêu biểu năm 2005

  •  
  • 175

Năm 2005 sắp khép lại, để lại đằng sau nhiều sự kiện khoa học nổi bật trong và ngoài nước, chẳng hạn như Việt Nam làm chủ công nghệ kính hiển vi tiên tiến nhất, nỗ lực bào chế vắc-xin cúm gia cầm, thế giới giải mã bộ gien lúa, bắn phá sao chổi...

1. Kính hiển vi quét đầu dò 

Một nhân viên thuộc Phòng thí nghiệm của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học đang cho mẫu vật vào kính hiển vi quét đầu dò

Sau hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học (Viện Khoa học và công nghệ VN) đã chế tạo thành công kính hiển vi quét đầu dò (SPM). Đây là thiết bị thí nghiệm tiên tiến nhất trên thế giới, lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, với giá thành chỉ bằng một phần nhỏ thiết bị ngoại nhập cùng loại. Kính có nhiều ứng dụng, đặc biệt là trong công nghệ nano và sinh học phân tử.

Do đã làm chủ được bí quyết chế tạo SPM nên Viện có điều kiện chế tạo cả các loại kính hiển vi quét đầu dò rẻ tiền dành cho nhiều đối tượng, kể cả sinh viên. GS.TSKH Vũ Đình Cự, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước, nhận xét: '' Nếu như các chuyên gia chỉ thích có nhiều tiền thì họ không làm tỉ mỉ những cái máy tinh vi như thế. Đây là thiết bị của thế kỷ 21 và là thành công đáng nhớ trong nền khoa học công nghệ Việt Nam''.

2.Composit cacbon, vật liệu thay thế xương

Mảnh ghép xương sọ bằng tổ hợp cacbon là thành quả sau gần 10 năm nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Nhờ có mảnh ghép này, bác sĩ có thể bịt kín khuyết xương vòm sọ mà không cần phải phẫu thuật để lấy xương tự thân, giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân.

Vật liệu làm mảnh ghép tương thích sinh học với cơ thể con người, nghĩa là có độ bền, xốp, độ dẫn nhiệt và độ dày gần giống xương sọ. Lợi thế của mảnh ghép composite cacbon so với các vật liệu khác là giá thành thấp, rẻ hơn 40 lần so với miếng vá phẳng bằng titan nhập từ Mỹ và Đức, giúp bệnh nhân nghèo có cơ hội chữa bệnh với chi phí thấp.

Các nhà khoa học đang tiêm vắc-xin H5N1 vào khỉ tại đảo Rều, Quảng Ninh

3.Bào chế vắc-xin H5N1


Trước nguy cơ bùng nổ đại dịch cúm gia cầm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vắc-xin H5N1 bằng phương pháp nuôi cấy tế bào. Loại vắc-xin này đã được thử nghiệm trên động vật, và đang được xin phép để thử nghiệm trên người. Cho tới nay, Việt Nam đã sản xuất thành công 6 loạt vaccine H5N1 cho người. Mẫu vaccine của 6 loạt sản xuất thử nghiệm đã được kiểm nghiệm kỹ theo yêu cầu tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã gửi đến các phòng thí nghiệm của WHO thẩm định.

4.Ứng dụng công nghệ gien trả lại tên cho liệt sĩ

Từ năm 2003 cho tới nay, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học và công nghệ VN) đã giám định được 60 trường hợp, trong đó định danh được 36 liệt sĩ. Cho tới nay, toàn bộ kỹ thuật giám định gien hài cốt liệt sĩ đã được Viện CNSH hoàn thiện. Viện đang chuyển giao công nghệ và tập huấn cho các cán bộ thuộc Viện Pháp y Quân đội để họ tự làm giám định. Thành công này mở ra triển vọng xác định được danh tính của khoảng 300.000 liệt sĩ mà bia mộ của họ hiện vẫn mang dòng chữ ''liệt sĩ chưa biết tên'', nằm ở gần 3.000 nghĩa trang ở Việt Nam.

5.Thủ tướng gặp gỡ các nhà khoa học

Hơn 400 nhà khoa học học, đại diện giới khoa học trong nước, đã thẳng thắn trình bày những bức xúc trong hoạt động khoa học-công nghệ (KH&CN) với Thủ tướng Phan Văn Khải vào ngày 24/9.

Ngoài trình độ chuyên môn và tinh thần của cộng đồng làm, nguyên nhân làm cho tình hình KHCN của VN hiện nay hao hao giống nông nghiệp trước khoán 10 một phần là do chính sách quản lý KHCN của VN còn nhiều bất cập. Đó là thu nhập không đảm bảo, khó có động lực làm việc; Đầu tư và sử dụng còn lãng phí, chưa có đãi ngộ, đánh giá đúng...

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học, quản lý, kiến nghị hệ thống tổ chức khoa học-công nghệ của VN cần phải tập trung về tài lực, phi tập trung về quyền lực hành chính. Nhà nước cần và chỉ nên chăm lo chủ yếu cho loại phát triển cưỡng bức, đặt ra các yêu cầu ứng dụng KHCN rất cụ thể, làm chìa khoá và đầu tàu để thay đổi tình trạng công nghệ đất nước. Những vấn đề ứng dụng khác, cần để thị trường điều tiết và Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí.

6.2005 - Năm Vật lý, Năm Einstein


Nhân kỷ niệm 100 năm ra đời thuyệt tương đối của Anhxtanh, LHQ đã chọn 2005 là năm Vật lý quốc tế. Mục đích là tuyên truyền về ngành vật lý, thu hút, kêu gọi giới trẻ và công chúng đến với vật lý. Năm 2005, năm Vật lý, năm Anhxtanh đang khép lại. Hàng loạt bài viết, hàng ngàn hoạt động văn hoá trong năm tôn vinh một thiên tài trên khắp thế giới, đang đi qua. Nhưng ánh hào quang của những tư tưởng siêu việt vẫn mãi mãi thanh xuân. Và tên tuổi của con người khai sinh ra nó, nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, Anbe Anhxtanh (Alber Einstein, 1879-1955) vẫn chói sáng cùng lịch sử loài người.

7.Giải Nobel Y học, Vật lý và Hoá học

Các Giải Nobel trong ba lĩnh vực trên đã được công bố vào đầu tháng 10/2005 và lễ trao Giải đã được tổ chức trọng thể tại Thuỵ Điển. Nobel Y học 2005 tôn vinh hai nhà khoa học Australia, những người đã khám phá ra vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò của chúng trong bệnh viêm loét hệ tiêu hoá.

Giải Nobel Vật lý đã được trao cho hai công dân Mỹ - Roy Glauber và John Hall - và Theodor Haensch người Đức. Ba nhà khoa học này đã có đóng góp lớn trong việc thúc đẩy ứng dụng vật lý lượng tử hiện đại vào nghiên cứu quang học và ánh sáng.

Giải Nobel Hoá học tôn vinh Yves Chauvin (Pháp), Robert Grubbs và Richard Schrock (Mỹ), những nhà khoa học đã có công phát triển phương pháp hoán vị trong tổng hợp chất hữu cơ. Phương pháp này mở ra những cách thức mới để chế tạo các loại thuốc thông minh hơn và các loại chất dẻo thân thiện hơn với môi trường.

8.Giải mã gien

2005 là một năm tuyệt vời đối với lĩnh vực giải mã gien. Sau 7 năm, Dự án giải mã gien lúa quốc tế đã hoàn tất giải mã bộ gien lúa - giống cây nuôi dưỡng hơn 50% dân số thế giới. Ước tính lúa chứa 37.544 gien trên 12 nhiễm sắc thể so với 20.000-25.000 gien của người. Giải mã bộ gien lúa có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ giúp con người tạo ra những giống lúa cao sản, nhiều dinh dưỡng, kháng chịu sâu bệnh tốt hơn và chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học đã giải mã được ADN của tinh tinh, họ hàng thân thiết nhất của con người.

9.Bắn phá sao chổi Tempel 1

Phòng kiểm soát của NASA với những màn hình lớn hiển thị vụ va chạm

Một ngày nào đó con người sẽ phải đối phó với một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đang trên đường lao vào Trái đất. Trong trường hợp tồi tệ nhất, chúng sẽ huỷ diệt nền văn minh hoặc chí ít cũng tàn phá một thành phố nào đó. Những vụ va chạm lớn đã xảy ra trước đây và sẽ còn nhiều vụ nữa. Tuy nhiên, con người chưa biết nhiều về các tiểu hành tinh cũng như cấu trúc của chúng để lên kế hoạch làm chệch hướng hoặc phá huỷ.

Một bước ngoặt lớn đã xảy ra khi phi thuyền Deep Impact của NASA phóng một viên đạn đồng vào sao chổi Tempel 1 vào ngày 4/7. Với thông tin thu thập được, giới khoa học sẽ biết rõ hơn về bản chất và cấu trúc của sao chổi cũng như sự hình thành của Thái dương hệ. Ngoài ra, biết được cấu trúc của sao chổi sẽ giúp con người làm chệch hướng của chúng trong tương lai. Một lợi ích khác nữa là bằng cách tìm hiểu các thành phần của sao chổi, con người có thể sử dụng chúng trong tương lai làm giếng nước hoặc trạm tiếp nhiên liệu cho các sứ mạng thăm dò vũ trụ

10.Trung Quốc phóng Thần Châu 6

Sáng 12/10, tàu Thần Châu 6 đã mang hai phi hành gia của Trung Quốc vào quỹ đạo Trái đất. Đây là lần thứ hai quốc gia này phóng tàu vũ trụ có người lái và là nước thứ ba sau Nga và Mỹ lập được kỳ tích này. Vương Dũng Trí, Tổng công trình sư của Chương trình tàu vũ trụ có người lái của Trung Quốc, nhận xét: ''Các chuyến bay vũ trụ có người lái thể hiện sức mạnh kinh tế và nghiên cứu khoa học của một quốc gia. Đây là một phương tiện lớn để mở rộng không gian sống của con người, khai thác và sử dụng các tài nguyên vũ trụ''.

Theo VietNamNet
  • 175