Theo các nhà nghiên cứu của 60 nước, năm 2007 sẽ là "năm địa cực quốc tế" với nhiều dự án nghiên cứu về những thay đổi khí hậu ở hai đầu cực Trái đất. Gần 440 triệu USD được các nước đóng góp cho chương trình nghiên cưu khổng lồ này.
Đây là lần thứ tư năm địa cực quốc tế được tổ chức (các năm trước gồm 1882-83, 1932-33, 1957-1958), nhưng đây là lần đầu tiên năm địa cực quốc tế chuyên về nghiên cứu các thay đổi khí hậu từ vùng cực.
Với khoản đóng góp trị giá 132 triệu USD cho chương trình, Canada là nước góp vốn lớn nhất khi nước này chiếm hơn 1/3 vùng Bắc Cực. Theo các chuyên viên môi trường thế giới, Bắc Cực được xem như một "phong vũ biểu" của những thay đổi khí hậu trên thế giới và từ tháng 3-2007, các nhà khoa học sẽ thực hiện những nghiên cứu đầu tiên về tác động của con người đối với những biến đổi khí hậu. Theo dự kiến, các nghiên cứu này sẽ được thực hiện trong vòng hai năm.
Các nhà khoa học nhận định những nghiên cứu của "năm địa cực thế giới" cho phép con người tiên đoán được sự tiến triển của khí hậu Trái đất trong năm năm tới hay thậm chí đến 20 năm tới.
Các tảng băng tan ở vùng cực (Ảnh: TTO)
ĐỨC TRƯỜNG