Các nhà nghiên cứu thời tiết của Anh nhận định, 2009 sẽ là một trong 5 năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình dài hạn khoảng 0,4 độ C.
Người đàn ông đang bước trên bờ biển Manly ở Sydney, Australia lúc mặt trời mọc. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng nóng lên của khí hậu vẫn diễn ra, bất chấp các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương tiếp tục lạnh đi do hiệu ứng của hiện tượng La Nina. Các nhà khoa học Anh thuộc trung tâm Met Office Hadley Center dự đoán năm 2009 sẽ nóng nhất kể từ năm 2005 và nhiệt độ có khả năng tăng tiếp trong những năm sau này.
Kỷ lục nóng nhất hiện nay vẫn là năm 1998 với nhiệt độ trung bình 14,52 độ C, vượt xa mức 14 độ C của trung bình giai đoạn 1961-1990 (thường được lấy làm chuẩn thời tiết dài hạn). Khí hậu đặc biệt của năm 1998 là do ảnh hưởng mạnh mẽ của hiện tượng El Nino, với mức độ nóng bất thường của bề mặt biển phía đông Thái Bình Dương.
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về cơ chế gây ra hiện tượng El Nino và La Nina, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất với nhau rằng chúng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mô hình thời tiết toàn cầu. Sức mạnh của các đợt gió mậu dịch thổi từ phía đông sang phía tây qua vùng xích đạo Thái Bình Dương cũng được cho là một nhân tố quan trọng với mô hình này.
Giáo sư Chris Folland thuộc Met Office Hadley Center cho biết thêm: "Mức độ nóng kỷ lục tăng lên có thể xảy ra ngay khi El Nino có quy mô vừa phải phát triển. Các hiện tượng như El Nino và La Nina có ảnh hưởng mạnh đến nhiệt độ trên bề mặt toàn cầu".
Giáo sư Phil Jones, giám đốc trung tâm nghiên cứu khí hậu của Đại học East Anglia (Anh) thì nhận định, tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ chưa chấm dứt, cho dù năm 2009 cũng giống như năm 2008 không vượt qua kỷ lục nắng nóng 1998. Ông nhấn mạnh rằng nhiệt độ trung bình giai đoạn 2001-2007 là 14,44 độ C, nóng hơn 0,21 độ C so với giai đoạn 1991-2000.