Coi trọng việc giáo dục nhân cách hơn kết quả học tập, bữa trưa được tiêu chuẩn hóa hay học sinh tự dọn dẹp lớp học mà không cần lao công là những điều ấn tượng bạn được thấy ở trường học Nhật Bản.
Bạn nói rằng bạn thích văn hóa Nhật Bản, nhưng chắc chắn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng học sinh ở các trường công lập của Nhật Bản thường ăn trưa cùng giáo viên, được học nghệ thuật truyền thống ngay tại trường hay không có bất cứ kỳ thi nào trong 3 năm đầu đi học. Hãy cùng khám phá thông tin dưới đây để biết thêm về hệ thống giáo dục của Nhật Bản nhé!
1. Không có kỳ thi nào trong 3 năm đầu đi học
Ở Nhật Bản, học sinh không phải trải qua bất cứ kỳ thi nào trong 3 năm đầu đi học, cho đến tận khi lên lớp 4 (10 tuổi). Trong ba năm này, các em chỉ cần làm những bài tập nhỏ trên lớp. Quốc gia này tin rằng mục tiêu trong 3 năm học đầu tiên không phải đánh giá trình độ kiến thức của các em mà là hình thành những quy chuẩn về hành vi và phát triển tính cách.
Đến trường, học sinh được dạy cách tôn trọng người khác, đối xử nhẹ nhàng với động vật và thiên nhiên ở xung quanh mình. Học sinh phải thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và dĩ nhiên là cả đối với giáo viên của họ nữa. Quan trọng nhất là duy trì được mối quan hệ thầy trò. Đặc biệt, nếu học sinh không muốn giáo viên của họ thất vọng thì đừng thể hiện hành động vô lễ ra ngoài.
Bên cạnh đó, họ còn định hướng cho trẻ những phẩm chất đáng quý như: rộng lượng, từ bi và đồng cảm. Hơn nữa, các em cũng cần học tính can đảm, tự chủ và công bằng.
2. Trường học không cần lao công
Học sinh ở Nhật Bản tự quét dọn lớp học của mình. (Nguồn ảnh: Timothy Takemoto).
Học sinh ở Nhật Bản tự quét dọn lớp học của mình. Các em lau dọn sạch sẽ lớp học, nhà ăn và cả nhà vệ sinh nữa. Hệ thống giáo dục ở Nhật Bản tin rằng việc yêu cầu học sinh dọn dẹp vệ sinh lớp học giúp các em học được cách làm việc nhóm, chia sẻ trách nhiệm và giúp đỡ người khác. Có lẽ, bài học muốn nói đến ở đây là cách các em vệ sinh nơi trường học có ảnh hưởng đến cách mà các em chăm sóc người khác. Đặc biệt, việc dành thời gian vệ sinh trường học tạo ra cơ hội hình thành tính cách, giúp các em biết tôn trọng sức lao động của người khác.
Các em học sinh chia thành từng nhóm dựa theo các nhiệm vụ đã được phân công. Các nhóm sẽ được chia đều, luân phiên cả năm, vì vậy mỗi học sinh đều có cơ hội trải nghiệm với tất cả các nhiệm vụ khác nhau.
3. Tiêu chuẩn hóa bữa trưa
Ngoài những học sinh bị dị ứng nghiêm trọng với các thực phẩm ra, tất cả học sinh ở Nhật Bản đều được phục vụ các bữa ăn theo một thực đơn tiêu chuẩn hóa. Điều này không phải là một điều bình thường, bởi bữa trưa ở các trường công lập của Mỹ, nổi tiếng là thiếu chất dinh dưỡng, có quá nhiều đường và các chất béo chuyển hóa (trans-fats). Người Nhật Bản luôn dạy con cái của mình ăn uống lành mạnh ngay từ cách ưu tiên các thành phần chất lượng đến phần thức ăn thực tế.
Bữa trưa tại các trường tiểu học và trung học ở Nhật Bản nấu theo thực đơn tiêu chuẩn được chuẩn bị bởi những đầu bếp chất lượng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, bữa trưa ở các trường học phần lớn được làm bằng nguyên liệu tươi sống, an toàn có nguồn gốc từ địa phương.
Giáo viên cùng ăn trưa với học sinh là một cách giúp phát triển mối quan hệ tích cực giữa họ. Thông thường, học sinh ở Nhật Bản tự phục vụ bữa trưa với nhau như một cách để phân công trách nhiệm của mọi người trong lớp.
4. Dạy nghệ thuật truyền thống
Những gì được coi là kiến thức cơ bản có trong hệ thống giáo dục tại các trường công lập của Nhật Bản đều nằm ngoài phạm vi nền tảng được xác định bởi hầu hết các trường công lập ở Mỹ. Học sinh Nhật Bản được dạy những nghệ thuật truyền thống như Shodo (書 道, thư pháp Nhật Bản) và Haiku, một hình thức thơ ca đặc trưng của đất nước này. Shodo là nghệ thuật viết chữ tượng hình bằng bút lông trên giấy gạo. Nghệ thuật này đòi hỏi phải có kiến thức ngôn ngữ, giúp học sinh gây dựng sự tôn trọng đối với văn hóa truyền thống. Ngoài ra, nghề thủ công viết Haiku cũng dạy cách tôn trọng và gìn giữ văn hóa truyền thống hàng trăm năm tuổi của Nhật Bản.
5. Hầu hết, học sinh Nhật Bản đều mặc đồng phục đến trường học
Đồng phục của trường học thường khá khiêm tốn về màu sắc, kiểu cách và trang trí. (Nguồn ảnh: elmimmo).
Học sinh cấp hai ở hầu hết các trường công lập tại Nhật Bản đều yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục đến trường. Mỗi trường đều có tiêu chẩn khác nhau, nhưng hầu hết đồng phục đều có những tiêu chuẩn sau: đối với nam sinh là trang phục kiểu quân đội, đối với nữ sinh là trang phục phong cách thủy thủ. Đồng phục của trường học thường khá khiêm tốn về màu sắc, kiểu cách và trang trí.
Dựa theo tất cả các tiêu chuẩn có liên quan đến trường học, cũng có một mục đích đằng sau quy định đồng phục này. Đó là khi học sinh mặc đồng phục trên người là cách xóa bỏ rào cản xã hội và đưa học sinh vào khuôn khổ môi trường học tập. Một số trường học tại Nhật Bản cũng có những quy định nghiêm ngặt về phụ kiện như ba lô, trang điểm và thậm chí là cả kiểu tóc nữa.