Theo yêu cầu của thỏa thuận trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Đan Mạch vào tháng 12 năm ngoái, 55 quốc gia đã gửi bản cam kết giảm khí thải carbon tới Liên Hợp Quốc.
Người dân trong làng Obot, gần thành phố Shkodra, Albani chèo thuyền trong nước lũ vào ngày 10/1. Các nhà khoa học cảnh báo lũ lụt và hạn hán sẽ tăng khi trái đất ấm lên. Ảnh: AP. |
"Thỏa thuận Copenhagen" yêu cầu các nước gửi bản cam kết trước ngày 31/1. Trong số những nước đã gửi cam kết có Mỹ, Nhật Bản, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi. BBC cho biết, một số nước đưa ra những cam kết "yếu" hơn so với tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Đan Mạch.
Yvo de Boer - quan chức cao cấp nhất của Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu - nói rằng những cam kết sẽ tiếp thêm sinh lực cho nỗ lực cắt giảm khí thải của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường khẳng định những cam kết đó chưa nói lên điều gì.
Phần lớn cam kết được gửi từ các nền kinh tế lớn - cả phát triển và đang phát triển. Những nền kinh tế này tạo ra khoảng 3/4 lượng khí thải từ hoạt động đốt nhiên liệu. Trong khi đó, chỉ có vài quốc gia nhỏ hơn và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu gửi cam kết. Chẳng hạn, chỉ có ba nước thành viên trong Liên minh các quốc đảo nhỏ - gồm 43 thành viên - gửi cam kết. Đó là Maldives, Singapore và quần đảo Marshall.
Trong khi đó, một báo cáo do Viện Môi trường và Phát triển quốc tế cho thấy có nhiều vấn đề cần được giải quyết trong việc gây quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu trị giá 10 tỷ USD mỗi năm dành cho các nước đang phát triển trong vòng ba năm tới. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng khẳng định quỹ này sẽ tăng lên 100 tỷ USD/năm trước năm 2020.
"Chúng ta vẫn chưa biết rõ nguồn tiền dành cho quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu sẽ tới từ đâu và cách thức phân bổ tiền trong quỹ", BBC trích một câu trong báo cáo.