Bảo tiêu là một nghề khá phổ biến thời Trung Quốc cổ đại. Người làm nghề bảo tiêu được gọi là tiêu sư. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ tài sản của thương nhân. Do giao thông bất tiện, hàng hóa vận chuyển trên đường thường bị bọn phỉ tập kích cướp bóc, uy hiếp trực tiếp sự an toàn về tài sản và mạng sống của giới thương nhân lữ khác. Từ đó nghề bảo tiêu có điều kiện ra đời để phục vụ, bảo đảm sự an toàn cho giới thương nhân.
Nghề bảo tiêu cũng có những điều cấm kỵ như các ngành nghề khác. Khái niệm “Lục giới” hay “ Lục đại kỵ” ( 6 điều cấm kỵ) trong giới tiêu sư khởi nguồn từ thời đại Khang hy. Đây là những quy định hành nghề bảo tiêu, ngoài mục đích tạo sự ràng buộc cho tiêu sư, thì chủ yếu là để bảo vệ sự an toàn cho tiêu sư. Nói cách khác, 6 điều cấm kỵ này chính là nguyên tắc an toàn của nghề bảo tiêu.
Vậy 6 điều cấm kỵ đó bao gồm những gì?
Điều cấm kỵ thứ 1, không được ở nhà trọ không quen biết!
Các tiêu sư chỉ lựa chọn những nhà trọ cũ quen thuộc. (Ảnh minh họa).
Các tiêu sư hành tẩu trên giang hồ, hộ tống tiền bạc hoặc người tới các tỉnh khác, trên đường không tránh khỏi việc phải tìm phòng trọ. Các tiêu sư chỉ lựa chọn những nhà trọ cũ quen thuộc. Trước khi vào trọ, tiêu sư sẽ gặp chủ nhà trọ, sau đó xem địa hình và kiểm tra sân trước, sân sau, kiểm tra các tầng, chẳng hạn như có bao nhiêu phòng, tường cao bao nhiêu, có thể ở mấy người, có mật thất hay không, có lối đi bí mật hay không, có cửa sau hay không…. Sau khi đã tìm hiểu kỹ, tiêu sư mới yên tâm vào trọ, giao ca, chỉ cần một động tĩnh nhỏ liền có thể hành động.
Nhiều lần qua lại, tiêu cục và những nhà trọ này sẽ trở thành người thân quen.
Nhưng nếu là các nhà trọ mới, phía trên có đề biển “Khai nghiệp đại cát” hoặc “Mại mãi hưng long” thì tiêu sư tuyệt đối không được vào. Bởi vì các nhà trọ mới rất khó để đoán định, hoặc tra rõ nguồn gốc, không biết rõ lai lịch của các nhân viên trong đó,không biết họ liệu có âm mưu gì không.
Điều cấm kỵ thứ 2 là không ở các nhà trọ đổi chủ
Việc buôn bán thông thường là tra chuyền con nối qua các đời. Đương nhiên cũng không tránh khỏi các trường hợp nhà trọ làm ăn thất bại sập tiệm phải đổi chủ. Nhưng đại đa số, nếu không có yếu tố chiến tranh hoặc thảm họa, thì một nhà trọ tồn tại qua hàng chục năm là điều bình thường.
Một nhà trọ đột nhiên đổi chủ, nói không chừng là do đạo tặc tấn công, giết chủ cũ, và tự mình lên thay. Đây là một chuyện cũng thường hay xảy ra thời cổ đại. Bởi vậy, những nhà trọ như vậy tiêu sư tuyệt đối không lựa chọn.
Điều cấm kỵ thứ 3 là không ở “xướng phụ chi điếm”, tức là các nhà trọ có kỹ nữ
Loại nhà trọ này tiêu sư tuyệt đối phải tránh xa. (Ảnh minh họa).
Thời cổ đại, một số nhà trọ có bao nuôi kỹ nữ, hoặc một số nhà trọ vốn dĩ là do kỹ nữ mở ra. Loại nhà trọ này tiêu sư tuyệt đối phải tránh xa. Nếu ở trong những nhà trọ này, ngoại trừ phải lo lắng để tâm tới những người qua lại có sự mờ ám, tiêu sư còn phải chống lại cám dỗ từ những kỹ nữ. Đôi khi đó có thể là mưu kế của kẻ xấu, không cẩn thận sẽ trúng kế mất tiêu.
Điều thứ 4, vũ khí là vật bất li thân
Ngoài mục đích dùng để tự vệ, vũ khí còn là tượng trưng cho thân phận của một phi tiêu. Bất luận là dao hay kiếm, những vũ khí này luôn ở bên các tiêu sư mỗi ngày và trở thành người bạn của họ. Trong lúc gặp nguy hiểm, những vũ khí này trở thành “bảo pháp” cứu mạng tiêu sư. Khi đối mặt với những tên trộm trên đường, thường các tiêu sư trước tiên sẽ dùng “lễ” để quy phục họ, chứ không vội dùng “vũ”. Nếu đối phương nhận tiền cho qua, nói không chừng tiêu sư và họ còn có thể làm bạn sau này. Nhưng nếu đối phương là kẻ cường bạo, nhất quyết không để đoàn bảo tiêu qua, lúc này tiêu sư bắt buộc phải dùng “vũ”. Bởi vậy, vũ khí là một vật bất li thân của tiêu sư.
Điều cấm kỵ thứ 5, tiêu vật bất khả li thân
Giờ ăn hay ngủ, các tiêu sư đều phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ. (Ảnh minh họa).
Khách hàng tìm tới tiêu cục để yêu cầu hộ tống đảm bảo an toàn cho đồ vật hoặc người. Một khi tiêu cục đã nhận được đơn đặt hàng, phải đảm bảo rằng người hoặc vật phẩm được giao đúng đến đích. Trên con vận chuyển, bất kể là đường thủy hay bộ, tiêu vật không thể rời khỏi tiêu sư một khắc. Giờ ăn hay ngủ, các tiêu sư đều phải thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Bởi một khi bị phân tâm, tiêu vật sẽ bị những tên trộm có cơ hội đoạt lấy. Nếu tiêu vật bị mất, hoặc người được hộ tống bị thương hoặc tổn hại, tiêu cục ngoài việc phải bồi thường thì còn bị kiện, danh tiếng có thể bị mất, thậm chí phải giải thể.
Điều cấm kỵ cuối cùng
Không được bỏ qua bất kỳ nghi vấn nào. Các tiêu sư ngoài yêu cầu võ nghệ cao cường, còn phải yêu cầu tai mắt tinh tường, nhìn nghe sáu phương tám hướng. Chỉ cần động một ngọn cỏ, họ phải tập trung cao độ, chỉ cần phát hiện nghi vấn, lập tức không được bỏ qua. Những tai nạn bảo tiêu xảy ra thường là do tiêu sư coi nhẹ các nghi ngờ hoặc tỏ ra lười biếng.
Như vậy có thể thấy, nghề bảo tiêu không chỉ là một nghề lao động chân tay, mà còn đòi hỏi lao động trí óc. Đây là một công việc không hề nhẹ nhàng, và để trở thành tiêu sư không phải là một điều dễ dàng.