Không chỉ gây mất vệ sinh mà việc chảy nước miếng khi ngủ còn bật mí tình trạng sức khỏe của bạn.
Khai thật đi, bạn đã từng ngủ dậy và muốn "thủ tiêu" chiếc gối ngay lập tức khi phát hiện ra chúng đang ướt sũng nước miếng như thế này phải không? Hay khủng khiếp hơn, chỉ vì xem cố bộ phim hay đọc nốt cuốn truyện dang dở mà nay em trót ngủ gục trên bàn - nhưng ôi thôi - nước gì chảy lênh láng tay với mặt bàn vậy? Em chỉ muốn "độn thổ" ngay thôi.
Ước gì - em đã không ngủ gục. Ước gì, nước miếng không thành giọt.
Nhưng bình tĩnh nào, trước khi muốn thủ tiêu chiếc gối cùng vật thể lạ này thì hãy dừng lại 1 phút để nhớ xem mình có hay rơi vào tình trạng dở khóc dở cười này không nhé!
Nếu chỉ vì bạn tì tay vào mặt để ngủ gục chút thôi thì không nên quá lo lắng bởi tư thế ngủ gục, áp mặt xuống bàn, tay sẽ khiến tuyến nước bọt trong miệng bị kích thích, tiết nhiều nước bọt hơn nên dễ tràn ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị chảy nước miếng khi ngủ thì đó không chỉ đơn giản là thói quen nữa mà bạn hãy ngay lập tức tới gặp bác sĩ. Bởi lúc này, nó đã trở thành căn bệnh nội khoa, có thể gây nguy hiểm cho bạn.
Nguyên nhân của căn bệnh "xấu hổ muốn độn thổ" này là gì?
Cần phải khẳng định rằng, nhiệt độ và độ ẩm trong vòm miệng là nơi thích hợp nhất để cho vi khuẩn phát triển. Khi bạn không vệ sinh răng miệng cẩn thận, thức ăn còn lưu lại trên răng và kẽ răng sẽ cùng nhau "xông lên", đánh chiếm lớp màng bảo vệ răng, gây ra căn bệnh về răng, nướu...
Vòm miệng khi bị vi khuẩn lây nhiễm sẽ tăng thêm nước bọt bài tiết, dễ dẫn đến việc "tràn nước bọt" ra ngoài, chảy ra gối và gây ra hiện tượng đáng xấu hổ kia.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự bài tiết của tuyến nước bọt hoàn toàn có tính phản xạ thần kinh. Cụ thể, khi bị stress, việc điều tiết thần kinh bị cản trở cũng sẽ gây hiện tượng chảy nước miếng khi ngủ.
Vì trong lúc ngủ, hệ thống thần kinh bị rối loạn sẽ gây ra hiện tượng giao cảm thần kinh bị kích động bất thường, khiến việc tiết nước bọt diễn ra khó kiểm soát. Do đó, việc thường xuyên chảy nước miếng khi ngủ là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh của bạn đang gặp trục trặc đó!
Bất cứ lúc nào, bất cứ đâu - cứ ngủ là chảy nước miếng!
Chưa hết, chảy nước miếng còn là dấu hiệu báo trước sự suy yếu của bộ máy tiêu hóa. Khi nước bị tích tụ trong dạ dày và ruột sẽ khiến cho khoang miệng thừa nước bọt và tự tràn ra khi ngủ.
Hoặc chẳng may, bạn lại sở hữu một bộ răng mà cái nào cũng "tranh nhau làm lớp trưởng" thì việc không làm chủ được bản thân khi ngủ cũng dễ hiểu cả thôi.
Vậy bí kíp nào giúp hạn chế việc chảy nước miếng khi ngủ?
Đầu tiên, bạn cần xác định mình thuộc nguyên nhân nào để có hướng điều trị thích hợp. Dưới đây chỉ là một vài tips nhỏ giúp bạn có thể "chống chế" lại cơn "đại hồng thủy" nước miếng đêm nay thôi.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi ngủ sẽ là cơ hội khiến cho vi khuẩn trong miệng bạn sinh sôi một cách nhanh chóng, kích thích việc tăng tiết nước bọt nhiều hơn.
Ngủ đúng tư thế
Tư thế ngủ đúng đến hạn chế chảy nước miếng khi ngủ là tư thế nằm ngửa, thẳng người.
Ngủ với tư thế nằm ngửa, thẳng người. Nếu bạn nằm nghiêng hay nằm xấp - nghĩa là bạn đang tự tạo tư thế hoàn hảo cho việc nước miếng tuôn dài được "thỏa sức tung hoành".
Kê gối cao đầu
Cùng với việc nằm ngửa, thẳng người, hai tay duỗi thoải mái, việc kê gối cao đầu sẽ khiến nước bọt khó có thể tràn ra ngoài do đã trôi dạt về phía đáy hàm.
Thông mũi
Cần luôn đảm bảo, mũi không "bị tịt", và luôn khô thoáng, sạch sẽ.
Một trong số những lý do khiến ta hay bị chảy nước miếng là khi ngủ - ta thở bằng miệng chứ không phải bằng mũi như thông lệ. Để tránh hiện tượng này, bạn cần luôn đảm bảo, mũi không "bị tịt", và luôn khô thoáng, sạch sẽ.
Tránh stress trước khi ngủ
Việc suy nghĩ quá căng thẳng trước khi ngủ sẽ khiến chức năng thần kinh thực vật bị rối loạn. Qua đó, chúng sẽ khiến não phát ra tín hiệu sai, gây chảy nước miếng.
Tránh đồ ăn cay, nóng
Để giảm bớt tình trạng tiết nước bọt, bạn có thể giảm ăn thức ăn gia vị cay nóng và không nhai kẹo cao su để tránh nước bọt tiết nhiều trước khi đi ngủ.