Acyclovir là thuốc gì?

Acyclovir được biết là một loại thuốc kháng virus hiệu quả được nhiều bác sĩ khuyên dùng hiện nay, tuy nhiên bạn cần theo dõi bài viết dưới đây để biết được tác dụng, liều lượng sử dụng cũng như công dụng cụ thể của thuốc acyclovir này nhé!

Tác dụng của thuốc acyclovir

Thuốc acyclovir được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số loại virus gây ra. Thuốc trị các vết loét xung quanh miệng (gây ra bởi herpes simplex), bệnh zona (gây ra bởi Zona zoster), và thủy đậu.

Loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị đợt bùng phát herpes sinh dục. Ở những người tái phát thường xuyên, thuốc acyclovir được dùng để giúp giảm số lượng các đợt tái phát.

Thuốc acyclovir là một thuốc kháng virus. Tuy nhiên, nó không chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng. Các virus gây ra các bệnh nhiễm trùng tiếp tục sống trong cơ thể thậm chí giữa các đợt bùng phát.

Thuốc acyclovir làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của những đợt bùng phát. Nó giúp các vết loét lành nhanh hơn, giữ cho vết loét mới không lớn, và làm giảm đau/ngứa. Thuốc này cũng có thể giúp giảm đau sau khi các vết loét lành. Ngoài ra, ở những người có hệ miễn dịch yếu, thuốc acyclovir có thể làm giảm nguy cơ virus lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Cách dùng thuốc acyclovir

Uống thuốc kèm hoặc không kèm thức ăn, thường 2 đến 5 lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống nhiều nước khi dùng thuốc này, trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc dạng lỏng, lắc chai kỹ trước mỗi liều. Cẩn thận đo liều dùng bằng dụng cụ đo/thìa đặc biệt. Không dùng muỗng lấy thức ăn để đo lượng thuốc vì có thể bạn sẽ lấy không đúng liều lượng.

Thuốc này hoạt động tốt nhất khi bắt đầu sử dụng khi có dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát, theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc sẽ không hoạt động tốt nếu bạn trì hoãn điều trị.

Liều lượng này được dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn và khả năng đáp ứng điều trị. Đối với trẻ em, liều lượng cũng được dựa trên trọng lượng cơ thể.

Thuốc này hoạt động tốt nhất khi nồng độ thuốc trong cơ thể của bạn được giữ ở mức ổn định. Vì vậy, hãy uống thuốc ở khoảng cách đều nhau. Để giúp bạn nhớ, hãy dùng thuốc tại một cùng một thời điểm mỗi ngày.

Tiếp tục dùng thuốc cho đến khi đã kết thúc toàn bộ liều lượng được quy định. Không thay đổi liều, bỏ qua bất kỳ liều nào hoặc ngưng dùng thuốc sớm mà không được sự chấp thuận của bác sĩ.

Báo cho bác sĩ nếu tình trạng của bạn vẫn tiếp diễn hoặc xấu đi.


Thuốc acyclovir dạng kem bôi.

Cách bảo quản thuốc acyclovir

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Liều dùng

Liều dùng cho người lớn

Liều dùng thông thường cho người lớn bị Herpes Simplex – niêm mạc/hệ miễn dịch:

Đường uống:

  • Giai đoạn ban đầu hoặc điều trị không liên tục: dùng 200 mg uống mỗi 4 giờ (5 lần một ngày) trong 10 ngày hoặc dùng 400 mg uống 3 lần một ngày hoặc dùng 200 mg uống 5 lần một ngày trong 7-10 ngày.
  • Giai đoạn tái phát: dùng 200 mg uống mỗi 4 giờ (5 lần một ngày) trong 5 ngày hoặc dùng 400 mg uống 3 lần mỗi ngày trong 5 ngày, dùng 800 mg, uống hai lần mỗi ngày trong 5 ngày, hoặc dùng 800 mg uống 3 lần một ngày trong 2 ngày.

Điều trị nhiễm orolabial HSV: dùng 400 mg uống 5 lần mỗi ngày trong 5 ngày.

Tiêm tĩnh mạch:

Giai đoạn ban đầu nghiêm trọng: dùng 5-10 mg/kg cân nặng lý tưởng truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ cho 5-7 ngày

Việc điều trị nên bắt đầu khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng sớm nhất của sự nhiễm trùng (giai đoạn ban đầu) hoặc tái phát.

Liều dùng thông thường dành cho người lớn Herpes Simplex – niêm mạc/suy giảm miễn dịch:

  • Đường uống: dùng 400 mg mỗi 8 giờ trong 7 đến 14 ngày.
  • Tiêm tĩnh mạch dùng 5 mg/kg truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 7 đến 14 ngày.

Điều trị cho các đợt bùng phát: dùng 200 mg uống mỗi 4 giờ (5 lần một ngày) trong 5-10 ngày.

  • Hoặc, dùng 400 mg uống 3 lần một ngày trong 5-10 ngày hoặc 7-14 ngày.
  • Điều trị nhiễm Orolabial HSV cho bệnh nhân nhiễm HIV: dùng 400 mg 3 lần một ngày trong 7-14 ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị Herpes Simplex viêm não:

Dùng 10-15 mg/kg cân nặng lý tưởng truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ 10 đến 21 ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị Herpes Simplex – ngăn chặn:

Liệu pháp ức chế mãn tính:

  • Bệnh nhân hệ miễn dịch hoạt động bình thường: dùng 400 mg uống hai lần một ngày; có thể thay thế liều 200 mg, uống 3-5 lần một ngày.
  • Bệnh nhân nhiễm HIV: dùng 200 mg uống 3 lần một ngày hoặc 400 mg uống 2 lần một ngày.
  • Bệnh nhân nhiễm HIV, herpes âm đạo: dùng 400 đến 800 mg uống 2 đến 3 lần mỗi ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị bệnh zona thần kinh:

Bệnh zona thần kinh cấp tính:

Dùng 800 mg uống mỗi 4 giờ (5 lần một ngày) trong 7-10 ngày.

Suy giảm miễm dịch nghiêm trọng: dùng 10 mg / kg cân nặng lý tưởng truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 7 đến 14 ngày.

Bạn nên bắt đầu điều trị trong vòng 72 giờ sau khi phát ban, mặc dù, trong các thử nghiệm lâm sàng, thuốc acyclovir hiệu quả nhất khi bắt đầu trong vòng 48 giờ đầu tiên.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị bệnh zona thủy đậu:

Bệnh nhân hệ miễn dịch bình thường: dùng 800 mg uống 4 lần mỗi ngày trong 5 ngày.

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: dùng 10 mg/kg cân nặng lý tưởng truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 7 đến 10 ngày hoặc cho đến khi không có tổn thương mới trong 48 giờ; sau khi hết sốt và nếu không có bằng chứng liên quan đến nội tạng, bệnh nhân có thể được chuyển sang liều 800 mg, uống bốn lần một ngày.

Bạn nên bắt đầu điều trị khi có các dấu hiệu sớm nhất của bệnh thủy đậu, không muộn hơn 24 giờ sau khi phát ban.

Liều dùng cho trẻ em

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Herpes Simplex:

Nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh:

Dưới 3 tháng tuổi: dùng 10-20 mg/kg hoặc 500 mg/m2 da truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ 10 đến 21 ngày.

Một số bác sĩ khuyên bạn nên dùng liều 10 mg/kg mỗi 12 giờ cho trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Herpes Simplex – niêm mạc/miễn dịch chủ:

Trẻ 3 tháng đến 11 tuổi:

Giai đoạn ban đầu: dùng 10-20 mg/kg đường uống 4 lần một ngày hoặc 8 đến 16 mg/kg đường uống 5 lần một ngày trong 7-10 ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo rằng nên uống 40-80 mg/kg mỗi ngày chia thành 3-4 liều trong 5 đến 10 ngày.

Liều tối đa: dùng 1 g/ngày.

Trẻ 12 tuổi trở lên, trên 40 kg:

Giai đoạn ban đầu, giai đoạn ban đầu nặng, và giai đoạn tái phát: dùng liều cho người lớn.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Herpes Simplex – niêm mạc/suy giảm miễn dịch:

Điều trị nhiễm HSV da và niêm mạc:

Dùng thuốc uống: dùng 1 g uống mỗi ngày trong chia làm 3-5 liều trong 7 đến 14 ngày. Liều khuyến cáo bởi bác sĩ.

Truyền vào tĩnh mạch (3 tháng đến 11 tuổi): dùng 5-10 mg/kg hoặc 250-500 mg/m2 truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong 7 đến 14 ngày.

Truyền vào tĩnh mạch (12 tuổi trở lên, trên 40 kg): dùng liều cho người lớn.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Herpes Simplex viêm não:

Trẻ 3 tháng đến 11 tuổi: dùng 10-20 mg/kg hoặc 500 mg/m2 truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ 10 đến 21 ngày.

Trẻ 12 tuổi trở lên: dùng liều cho người lớn.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Herpes Simplex – ngăn chặn:

Đường uống:

  • Trẻ dưới 12 tuổi: dùng 80 mg/kg/ngày uống chia làm 3-4 lần trong một ngày, không quá 1 g/ngày.
  • Trẻ 12 tuổi trở lên: dùng liều cho người lớn.

Truyền vào tĩnh mạch:

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: dùng 5 mg/kg truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 hay 12 giờ hoặc 250 mg/m2 truyền vào tĩnh mạch mỗi 8 giờ trong giai đoạn nguy hiểm.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị Zona thần kinh

Đường uống:

Bệnh nhân hệ miễn dịch bình thường (12 tuổi trở lên): dùng 800 mg uống mỗi 4 giờ (5 lần một ngày) trong 5-10 ngày.

Bệnh nhân nhiễm HIV dùng 20 mg/kg (tối đa 800 mg mỗi liều) uống 4 lần một ngày trong 7-10 ngày.

Các dạng và hàm lượng của thuốc acyclovir

Thuốc acyclovir có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang, thuốc uống: acyclovir 200mg, acyclovir 400mg, acyclovir 800mg.
  • Dung dịch, thuốc tiêm: 50mg/ml (10ml, 20ml);
  • Dung dịch được tái tạo, thuốc tiêm: 500mg, 1000mg;
  • Hỗn dịch, thuốc uống: 200mg/5ml (473ml);
  • Acyclovir bôi
  • Acyclovir cream

Tác dụng phụ

Đi cấp cứu nếu bạn gặp phải bất kì dấu hiệu dị ứng nào sau đây:

  • Phát ban;
  • Khó thở;
  • Sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.

Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau:

  • Đau phía dưới lưng;
  • Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không tiểu được;
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu;
  • Yếu bất thường.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, đau bụng;
  • Đau đầu, cảm giác mê sảng;
  • Phù bàn tay hoặc bàn chân.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể xuất hiện các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Lưu ý trước khi dùng thuốc acyclovir

Báo với bác sĩ và dược sĩ nếu bạn bị dị ứng với thuốc acyclovir, valthuốc acyclovir (Valtrex), bất kỳ loại thuốc nào khác, hoặc bất kỳ thành phần trong của thuốc acyclovir. Hãy hỏi dược sĩ về một danh sách các thành phần.

Báo với bác sĩ và dược sĩ những thuốc được kê toa và không kê toa, chất bổ, các chất dinh dưỡng và các sản phẩm thảo dược bạn đang dùng hoặc dự định sẽ dùng. Hãy chắc chắn đề cập đến bất cứ điều nào sau:

  • Thuốc kháng sinh chống nấm (Fungizone);
  • Thuốc kkháng sinh aminoglycoside như amikacin (Amikin), gentamicin (Garamycin), kanamycin (Kantrex), neomycin (Nes-RX, Neo-Fradin), paramomycin (Humatin), streptomycin, và tobramycin (Tobi, Nebcin);
  • Aspirin và các thuốc NSAID khác như ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve, Naprosyn);
  • Cyclosporine (Neoral, Sandimmune);
  • Thuốc điều trị nhiễm HIV hoặc AIDS như zidovudine (Retrovir, AZT);
  • Pentamidine (NebuPent);
  • Probenecid (Benemid);
  • Sulfonamid như sulfamethoxazol và trimethoprim (Bactrim);
  • Tacrolimus (Prograf).

Nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với thuốc acyclovir , vì vậy hãy chắc chắn nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, thậm chí cả những loại không xuất hiện trong danh sách này. Bác sĩ có thể sẽ cần thay đổi liều dùng thuốc của bạn hoặc theo dõi một cách cẩn thận để tránh các tác dụng phụ của thuốc.

Báo với bác sĩ nếu có một khả năng bạn có thể bị mất nước từ một căn bệnh hoặc hoạt động gần đây, hoặc nếu bạn đang hoặc đã từng có vấn đề với hệ thống miễn dịch của mình; nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV); hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS); hoặc bệnh thận.

Báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai, dự tính mang thai hay đang cho con bú. Nếu bạn có thai trong khi dùng thuốc thuốc acyclovir , hãy gọi cho bác sĩ.

Nếu bạn đang dùng thuốc acyclovir để điều trị herpes sinh dục, bạn nên biết rằng herpes sinh dục có thể lây lan qua đường tình dục ngay cả khi bạn không có mụn nước hoặc các triệu chứng khác và có thể thậm chí nếu bạn đang dùng thuốc acyclovir . Nói chuyện với bác sĩ về những cách ngăn chặn sự lây lan của herpes sinh dục và về việc bạn đời của bạn nên được điều trị.

Dùng thuốc này toàn bộ thời gian theo quy định của bác sĩ. Các triệu chứng của bạn có thể tốt hơn trước khi nhiễm trùng được điều trị hoàn toàn.

Điều trị bằng thuốc acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên (như ngứa, rát, mụn nước).

Nhiễm Herpes rất dễ lây lan và có thể lây nhiễm sang người khác, thậm chí cả trong khi bạn đang được điều trị với thuốc acyclovir. Tránh để mọi người tiếp xúc với khu vực lây nhiễm. Tránh chạm vào khu vực bị nhiễm bệnh và sau đó chạm vào mắt bạn. Rửa tay thường xuyên để tránh truyền bệnh cho người khác.

Điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thuốc này thuộc nhóm thuốc B đối với thai kỳ. Bạn có thể tham khảo bảng phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai dưới đây:

  • A= Không có nguy cơ;
  • B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
  • C = Có thể có nguy cơ;
  • D = Có bằng chứng về nguy cơ;
  • X = Chống chỉ định;
  • N = Vẫn chưa biết.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bạn không nên tự ý dùng, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc này không được khuyến khích sử dụng với bất kỳ các loại thuốc sau đây, nhưng có thể sẽ được yêu cầu trong một số trường hợp. Nếu cả hai loại thuốc được kê toa cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc mức độ thường xuyên sử dụng một hoặc cả hai loại thuốc.

Sử dụng thuốc này với bất kỳ các loại thuốc sau đây có thể gây nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nhất định, nhưng sử dụng hai loại thuốc này có thể là cách điều trị tốt nhất cho bạn. Nếu cả hai loại thuốc được kê toa cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc mức độ thường xuyên sử dụng của một hoặc cả hai loại thuốc.

  • Fosphenytoin;
  • Phenytoin;
  • Axit valproic.

Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Mất nước;
  • Bệnh thận. Việc mất nước hoặc bệnh thận có thể làm tăng nồng độ thuốc acyclovir trong máu, tăng nguy cơ tác dụng phụ;
  • Các vấn đề về hệ thần kinh. Thuốc acyclovir có thể làm cho những vấn đề này tệ hơn.

Lưu ý: Những thông tin về các loại thuốc, biệt dược được đăng tải ở chuyên mục Tủ thuốc gia đình trên Website Khoahoc.tv chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định điều trị bất kỳ loại thuốc nào để mang lại hiệu quả tốt và an toàn cho sức khỏe của bạn.

Cập nhật: 12/09/2019 Theo hellobacsi
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video