Các nhà nghiên cứu từ Đại học Yamagata, Nhật Bản công bố phát hiện thêm 142 hình vẽ khổng lồ mới trên cao nguyên Nazca.
Một trong những hình vẽ mới được phát hiện trên sa mạc Peru. (Ảnh: Đại học Yamagata).
Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca, hay geoglyph, lần đầu tiên được biết đến vào những năm 1920 khi máy bay thương mại bay qua một sa mạc khô cằn trải dài 85km ở miền nam Peru. Chúng được tạo nên từ thời Nazca, khoảng giữa năm 200 trước Công nguyên tới năm 600, và được coi là một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất trên thế giới.
Trong số 142 geoglyph mới, có một trường hợp được phát hiện bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính Watson của gã khổng lồ công nghệ IBM. Hình vẽ mô tả một người đang giương cao thanh gươm hoặc cây gậy, các nhà nghiên cứu từ Đại học Yamagata cho biết.
Hình vẽ được phát hiện bằng AI và siêu máy tính Waston. (Ảnh: Đại học Yamagata).
Một số geoglyph đáng chú ý khác có thể kể đến như hình con rắn hai đầu khổng lồ sắp nuốt chửng hai người, hình mô tả chim, cá, hay một một nhân vật nhảy múa có hình dáng kỳ lạ. Những nét vẽ được khắc sâu vào lòng đất, có niên đại từ khoảng giữa năm 100 TCN đến năm 300.
Geoglyph mô tả con rắn hai đầu sắp nuốt chửng người. (Ảnh: Đại học Yamagata).
Các nhà khảo cổ học đến nay vẫn chưa có lời giải thích chắc chắn về phương pháp tạo dựng cũng như động cơ khiến người Nazca tạo nên những hình vẽ bí ẩn trên. Một số giả thuyết cho rằng chúng có liên quan đến hoạt động tôn giáo, thiên văn học, hay thậm chí là do người ngoài hành tinh tạo ra. Những hình vẽ trên cao nguyên Nazca đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994.