NASA công bố ảnh mới chụp hình khắc thổ dân bí ẩn ở Australia

  •   3,45
  • 5.137

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố hình ảnh mới của Marree Man, hình vẽ khổng lồ ở Nam Australia khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thập kỷ.

Hình ảnh được chụp bởi vệ tinh Operational Land Imager (OLI) vào ngày 22/6/2019 và được cơ quan vũ trụ Mỹ công bố vào ngày 29/12.

Hình ảnh của một thợ săn với thứ có thể là một cây gậy (hoặc boomerang) trong tay anh ta đã được chọn làm Hình ảnh trong ngày của NASA.

Hình khắc bí ẩn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998, khi một phi công nhận thấy các hình chạm khắc trên cao nguyên, nhưng đã mờ dần theo thời gian.

Hình ảnh vệ tinh mới từ NASA cho thấy Marree Man hiện lên rõ nét ở vùng hẻo lánh của Australia
Hình ảnh vệ tinh mới từ NASA cho thấy Marree Man hiện lên rõ nét ở vùng hẻo lánh của Australia sau thời gian bị xóa mòn. (Ảnh: NASA).

Hình ảnh nằm giữa sa mạc ở Nam Australia, gần một thị trấn gọi là Marree, cách thành phố Adelaide 590km.

Theo NASA, các đường này hầu như không nhìn thấy được trong các ảnh màu tự nhiên được OLI thu thập vào năm 2013.

Marree Man được khôi phục vào năm 2016 khi một nhóm từ thị trấn Marree nổi tiếng xới lại các đường rãnh để giữ cho hình người đàn ông không bị phai nhạt do xói mòn. Hình ảnh chụp vào tháng 6 do NASA chia sẻ cho thấy kết quả của những nỗ lực này.

Nhóm phục hồi tin rằng việc bảo quản của họ sẽ kéo dài hơn thời gian dự kiến. Họ đã tạo ra các rãnh gió, được thiết kế để chứa nước và thúc đẩy thảm thực vật phát triển. Họ hy vọng rằng cuối cùng hình vẽ người đàn ông sẽ chuyển sang màu xanh.

Không ai lên tiếng xác nhận là tác giả của hình chạm khắc này. Năm 1999, một năm sau khi hình chạm khắc lần đầu tiên được phát hiện, một loạt bản fax nặc danh đã được gửi đến các quan chức địa phương, chỉ dẫn tới khu vực gần đầu của Marree Man nơi tấm bảng được để lại có cờ Mỹ, vòng tròn Olympic và trích dẫn từ một cuốn sách về thực hành săn bắn của thổ dân.

Năm 2018, một doanh nhân Australia tuyên bố sẽ trao thưởng 5.000 USD cho bất kỳ ai có thể đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh nguồn gốc hình chạm khắc.

Cập nhật: 02/01/2020 Theo Zing
  • 3,45
  • 5.137