Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể gây ra một số hậu quả bất ngờ. Nghiên cứu mới cho thấy những người ăn ngay trước khi đi ngủ có thể có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người bình thường.
Những phát hiện này có thể có ý nghĩa rất lớn đối với các khuyến cáo phòng chống ung thư, mà hiện tại các khuyến cáo này không đề cập đến thời gian ăn, tiến sĩ Manolis Kogevinas, giáo sư nghiên cứu tại Viện Y tế Toàn cầu Barcelona ở Tây Ban Nha và là tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
Có thể sự gián đoạn trong nhịp sinh học đã dẫn đến sự xuất hiện ung thư cao hơn, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa chắc tại sao có sự tương quan này. Các phát hiện đã được công bố trên tạp chí quốc tế về ung thư.
Kogevinas nói: "Tác động để lại là đặc biệt quan trọng trong các nền văn hóa như ở Nam Âu, nơi mọi người thường ăn tối muộn".
Có thể sự gián đoạn trong nhịp sinh học đã dẫn đến sự xuất hiện ung thư cao hơn.
Sau khi xem xét các yếu tố như tiền sử gia đình bị ung thư và những người bị ảnh hưởng bởi môi trường, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người ăn tối trước 9 giờ tối hoặc những người đợi ít nhất hai giờ sau khi ăn tối mới đi ngủ có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 26% và nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 16% so với những người đi ngủ ngay sau bữa tối.
"Các cơ chế không rõ ràng", Kogevinas nói. "Những gì chúng ta biết từ các nghiên cứu thực nghiệm là cơ thể chúng ta có những điều kiện hoạt động khác nhau trong ngày. Nghĩa là chúng ta - không chỉ con người mà tất cả các sinh vật sống – đều có sự phát triển và hoạt động khác nhau giữa ngày và đêm".
Nghiên cứu đã theo dõi 621 người bị ung thư tuyến tiền liệt và 1.205 người bị ung thư vú, cùng với 872 bệnh nhân nam và 1.321 bệnh nhân nữ không bị ung thư. Những người này được chọn ngẫu nhiên từ các trung tâm y tế sơ cấp trên khắp Tây Ban Nha.
Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn họ về thời gian ăn bữa tối và thói quen ngủ của họ. Những người tham gia cũng hoàn thành bảng câu hỏi về thói quen ăn uống của họ.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn ở người làm ca đêm có khả năng là do sự gián đoạn nhịp sinh học, hoặc chu kỳ ngủ-thức của một người, Kogevinas nói.
Năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra thông báo rằng ca làm việc ban đêm làm gián đoạn nhịp sinh học là một mối đe dọa tới sức khỏe con người, thậm chí có thể gây ung thư. Nghiên cứu mới này không xem xét tính chất làm ca đêm, mà xem xét hệ tiêu hóa vào ban đêm, nó có thể gây ra sự gián đoạn trong chu kỳ giấc ngủ của con người.
"Cần phải có những nghiên cứu sâu hơn với con người, để hiểu được lý do đằng sau những phát hiện này, nhưng mọi thứ dường như chỉ ra rằng thời gian ngủ ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa thức ăn của chúng ta", đồng tác giả của nghiên cứu, tiến sỹ Dora Romaguera, cho biết.