Các nhà hoạt động phong trào ở Anh đang lên tiếng kêu gọi nhà chức trách cấm triệt để những cỗ máy có khả năng tự động tấn công các mục tiêu mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người.
Jody Williams, người từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1997 vì nỗ lực vận động cấm sử dụng mìn thả bằng dù và hiện là thành viên của "Phong trào ngăn chặn các robot sát thủ" tuyên bố, sự ra đời của những vũ khí như vậy (vốn được phỏng đoán là trong vòng 20 năm tới) sẽ vi phạm một giới hạn về đạo đức và luân lý.
Hình nộm robot do các thành viên "Phong trào ngăn chặn các robot sát thủ" đặt
trước Tòa nhà quốc hội và tu viện Westminster Abbey ngày 23/4. (Ảnh: Reuters)
"Nếu chiến tranh sử dụng cả các vũ khí tấn công không cần con người kiểm soát, chính các dân thường sẽ là người hứng chịu các tổn thất chính của chiến trận", bà Williams nhấn mạnh.
Hiện một số lực lượng vũ trang của Anh đã sử dụng các loại vũ khí tự động như máy bay không người lái điều khiển từ xa. Các công ty cũng đang bắt tay vào việc phát triển những hệ thống có mức độ hoạt động tự động ngày càng lớn hơn.
Tuy nhiên, các công nghệ tiên tiến sẵn có còn xa mới có khả năng phân biệt giữa một người lính và một dân thường. Vì vậy, những người chỉ trích cực lực phản đối việc phát triển "robot sát thủ tự động" vì lo ngại khả năng giết nhầm.
Chính phủ Anh luôn tuyên bố, họ không có ý định phát triển công nghệ vũ khí giết người tự động. Trả lời phỏng vấn báo chí, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh từng khẳng định: "Hiện chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào nhằm thay thế các nhân viên quân sự lão luyện bằng những hệ thống tự động hoàn toàn. Mặc dù lực lượng Hải quân Hoàng gia đang triển khai các hệ thống phòng thủ, chẳng hạn như Phalanx, có khả năng sử dụng ở trạng thái tự động nhằm bảo vệ quân nhân và tàu chiến khỏi những mối đe dọa từ kẻ thù như tên lửa nhưng chúng vẫn cần một người kỹ thuật viên giám sát toàn bộ quá trình".
Cam kết của nhà chức trách Anh không khiến các thành viên của "Phong trào ngăn chặn các robot sát thủ" an tâm. Họ bày tỏ lo ngại rằng, sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ đã cho phép các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Israel và Đức tiến gần hơn tới những hệ thống vũ khí tự động.