Ít nhất 100.000 cây tần bì tại Anh đã chết bởi một loại nấm và giới chức đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của nó.
Hàng vạn cây tần bì tại vương quốc Anh đang nhiễm bệnh khô ngược cành khiến chúng khô dần rồi chết. Bệnh do nấm Chalara fraxinea gây nên. Sau khi nhiễm nấm, cây héo dần rồi chết. Đan Mạch đã mất tới 90% diện tích của những khu rừng tần bì. Đây là dịch bệnh lớn nhất đối với thực vật tại Anh kể từ thập niên 70. Người ta gọi nấm Chalara fraxinea là "nấm sát thủ", Telegraph đưa tin.
Một phần ba số cây gỗ tại Anh thuộc họ Tần bì. Bệnh khô ngược cành khiến cây chết hoặc mục ruỗng và người ta phải chặt hoặc đốt chúng, để lại khoảng trống lớn trong các khu rừng. Do chim, côn trùng và động vật có vú làm tổ trên cây tần bì, sự biến mất của chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho hệ sinh thái.
Một cây tần tại Anh bì chết vì nấm Chalara fraxinea. (Ảnh: ALAMY)
Hôm 27/10 giới chức tại Anh thừa nhận họ đã đốt khoảng 100.000 cây nhằm ngăn chặn sự lây lan của nấm. Riêng tại Scotland, chính quyền đốt 58.000 cây tần bì từ mùa hè tới nay. Chính phủ Anh đã thành lập một lực lượng đặc biệt, bao gồm khoảng 100 người, để xử lý cuộc khủng hoảng do nấm gây nên. Những thành viên của lực lượng đều cam kết làm việc 24 giờ trong ngày.
Ông Owen Paterson, Bộ trưởng Môi trường Anh, cho biết, chính phủ sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu cây tần bì vào ngày 29/10.
"Tôi đã soạn thảo các đề xuất để trình quốc hội và chúng tôi đã sẵn sàng hành động. Bằng chứng về sự hoành hành của nấm đã xuất hiện khắp nơi. Đem cây tần bì vào Anh hoặc vận chuyển chúng sẽ là hành vi bất hợp pháp từ ngày mai", ông nói.
Bất chấp những nỗ lực của giới chức, một bộ phận dư luận vẫn cho rằng chính quyền phản ứng quá chậm, bởi những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đã lộ diện từ 8 tháng trước. Trên thực tế giới chức Anh phát hiện bệnh khô ngược cành lần đầu tiên vào tháng 2, khi họ kiểm tra định kỳ một vườn ươm cây tần bì nhập khẩu ở hạt Buckinghamshire.
Khai thác gỗ là ngành công nghiệp đem lại doanh thu tới 10 tỷ bảng mỗi năm cho nước Anh. Tình trạng cây gỗ chết hàng loạt là một vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế Anh vừa mới thoát khỏi suy thoái vào tuần trước.
Dame Fiona Reynolds, tổng giám đốc của tổ chức National Trust, cảnh báo rằng dịch bệnh khô ngược cành có thể gây nên hậu quả khủng khiếp hơn nhiều trong tương lai. National Trust được thành lập để bảo tồn các tòa nhà, khu di tích và những vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
"Chúng tôi đang cầu nguyện để các nhà khoa học hiểu rõ bệnh khô ngược cành của cây tần bì và tìm ra giải pháp nhanh chóng", Reynolds phát biểu.