Argentina phát hiện hóa thạch nòng nọc khủng long lâu đời nhất thế giới

Dựa trên phân tích phát sinh gene của ấu trùng lưỡng cư thời hiện tại, hóa thạch đã giúp xác định được nòng nọc Notobatrachus rất gần với nhóm bao gồm tất cả các loài ếch và cóc hiện tại.

Ngày 30/10, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina (CONICET) thông báo một nhà khảo cổ nước này đã phát hiện hóa thạch nòng nọc khủng long dài 16cm, có niên đại khoảng 165 triệu năm, ở tỉnh miền Nam Santa Cruz.

Mẫu vật được tìm thấy thuộc loài Notobatrachus degustoi - tổ tiên của loài ếch và cóc ngày nay. Đây là mẫu hóa thạch lâu đời nhất về nòng nọc được phát hiện trên thế giới vào giai đoạn giữa kỷ Jura tại Patagonia của Argentina.


 Mẫu vật được tìm thấy thuộc loài Notobatrachus degustoi - tổ tiên của loài ếch và cóc ngày nay. (Ảnh: phys.org).

Tiến sỹ Matías Motta tại CONICET cho biết việc ông phát hiện hóa thạch này rất tình cờ khi đang trong chuyến thám hiểm do các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina “Bernardino Rivadavia” và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tổ chức để tìm kiếm hóa thạch khủng long tại trang trại mang tên La Matilde, tại Santa Cruz. Ông nhặt một phiến đá trong giờ nghỉ trưa và nhận thấy có xương cùng dấu vết in trên đá.

Loài nòng nọc này được biết đến từ năm 1957 sau khi các nhà khoa học phát hiện ra những bộ xương tại trang trại, bảo tồn những đặc điểm “nguyên thủy” không có ở ếch và cóc hiện nay. Việc phát hiện ra nòng nọc khủng long lần này trong tình trạng được bảo quản tốt sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu về sự tiến hóa của các loài ếch và cóc.

Nhà sinh vật học Mariana Chuliver, chuyên gia Quỹ Lịch sử Tự nhiên Félix Azara, chuyên gia đầu tiên tham gia vào công trình khảo cổ này cho biết một số nhà nghiên cứu nói rằng, có lẽ hầu hết các loài cóc cổ đại đều không trải qua giai đoạn nòng nọc. Tuy nhiên, phát hiện này cho thấy nhận định đó không chính xác.

Thành viên nhóm nghiên cứu, chuyên gia Federico Agnolín tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina “Bernardino Rivadavia” thuộc CONICET nhấn mạnh sự khan hiếm hóa thạch nòng nọc khiến nguồn gốc và sự tiến hóa ban đầu của giai đoạn ấu trùng trở nên bí ẩn.

Ếch trưởng thành có mặt trong hồ sơ hóa thạch từ kỷ Triassic muộn (khoảng 217-213 triệu năm trước), nhưng nòng nọc chưa được ghi nhận trước kỷ Phấn trắng (khoảng 145 triệu năm trước).

Theo CONICET, dựa trên phân tích phát sinh gene của ấu trùng lưỡng cư thời hiện tại, hóa thạch đã giúp xác định được nòng nọc Notobatrachus rất gần với nhóm bao gồm tất cả các loài ếch và cóc hiện tại. Đầu, hầu hết cơ thể và một phần đuôi cũng như mắt, dây thần kinh và chi trước của hóa thạch đều có thể quan sát thấy. Điều này chứng tỏ nòng nọc đang ở giai đoạn tiến hóa cuối cùng để trở thành một sinh vật lưỡng cư trưởng thành.

Các nhà khoa học cho rằng quá trình tiến hóa của giai đoạn ấu trùng trải qua rất ít thay đổi trong 160 triệu năm và nòng nọc nguyên thủy kiếm ăn theo cách giống như nòng nọc ngày nay.

Cập nhật: 01/11/2024 TTXVN/Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video