Bắc cực nổi sóng

Khi mà hành tinh này ngày càng nóng hơn, băng của hai địa cực tan nhanh, khí hậu toàn cầu thay đổi một cách đáng lo sợ, thì cũng là lúc mà nguồn tài nguyên khổng lồ mới xuất hiện tại Bắc cực.

Có ba vấn đề lớn làm cho Bắc cực trở thành một miếng mồi béo bở, không thể bỏ qua: dầu hỏa, nguồn lợi hải sản và giao thông. Xung đột tại Bắc cực sẽ là thảm khốc...

Thật ra chưa có một thỏa thuận quốc tế nào xác định thế nào là Bắc cực. Quan điểm từ lâu của Liên Xô (cũ) là các vấn đề của Bắc cực chỉ được giải quyết trong khuôn khổ các nước thuộc vành đai Bắc cực, đó là Canada, Nga, Hoa Kỳ, Đan Mạch - Groenland và Na Uy. Sau khi Ủy ban Khoa học quốc tế Bắc cực được thành lập vào đầu thập niên 1990, Liên Xô nhượng bộ, thêm Phần Lan, Iceland và Thụy Điển vào. Nay lại có thêm Ấn Độ và Trung Quốc.

Dầu mỏ và khí đốt

Tổ hợp khổng lồ Snohbit (Bạch Tuyết) của Na Uy đang khai thác khí thiên nhiên lấy từ biển Barents qua Công ty dầu hỏa quốc doanh Statoil. Đến 2007, Snohbit sẽ bắt đầu xuất khẩu khí hóa lỏng đến cảng Cove Point, bang Maryland, Hoa Kỳ. Đây sẽ là nguồn năng lượng “cạnh tranh” hơn (nhất là trên bình diện an ninh vận chuyển) so với các nguồn dầu nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi vào nước Mỹ.

Nhưng dù Snohbit có lớn thế nào cũng trở thành khôi hài so với công ty khai thác ở phía đông, trong lãnh thổ của Nga. Tháng 9-2005, Công ty Gazprom của Nga cực mạnh này mời năm đối tác Statoil, Norsk Hydro (cùng của Na Uy), Total (Pháp), Chevron và ConocoPhillips (cùng của Hoa Kỳ) tham gia khai thác mỏ khí đốt Shtokman nằm dưới đáy biển Barents, lớn gấp hai lần mỏ khí đốt của Canada.

Ngoài khí đốt, tài nguyên dầu hỏa cũng “đầy tràn”. Tất cả các công ty dầu hỏa quốc tế tìm mọi cách để được cấp giấy phép khai thác trong vùng biển Barents thuộc Nga hoặc Na Uy. Nhiều công ty lớn đã tiếp xúc với Viện Bắc cực Na Uy để nghiên cứu khả năng khoan trong vùng nước đóng băng đi về hướng bắc xa hơn Spitzberg.

Nếu biển Barents khai thông, thế cân bằng dầu hỏa toàn cầu sẽ thay đổi hoàn toàn. Nga sẽ trở thành một đầu mối chiến lược đối trọng hiệu quả với khối OPEC. Tháng 9-2005, bộ trưởng dầu hỏa Ân Độ đã đến Oslo để bàn chuyện khai thác. Trung Quốc cũng lập một trạm nghiên cứu trên đảo Spitzberg của Na Uy và đã hai lần điều động tàu phá băng Rồng Tuyết từ Nam cực đến để nghiên cứu sự thay đổi khí hậu.

Nếu một con đường hàng hải mới được mở ra ở phía bắc, dù chỉ hoạt động 4-5 tháng/năm, Na Uy có thể trở thành một trong những nhà cung cấp dầu hỏa và khí đốt hàng đầu cho Trung Quốc. Tháng 1-2005, Văn phòng Thông tin & nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong hai ngày đã nghe báo cáo của các chuyên gia về hậu quả của khí hậu toàn cầu nóng lên và khả năng Bắc cực “mở cửa”! Kết luận: “Hoa Kỳ và các nước khác cần phải đánh giá lại các chính sách ngoại giao của mình nếu tiến trình nóng lên này cứ tiếp tục. Đó là các vấn đề tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên mới, đặc biệt trong lĩnh vực dầu hỏa và đánh bắt cá”.

Nghề đánh cá thay đổi tận gốc rễ

Chưa hết, người ta đã tính đến trữ lượng cá và cua khổng lồ do tan băng và khí hậu toàn cầu nóng lên mang lại. Chẳng hạn cá mòi hồng đang tràn ngập những con sông mới thành hình do sự thay đổi của biển Tchouktches và Bérings về hướng nam.

Trong một báo cáo vào năm 2002 do yêu cầu của Hải quân Hoa Kỳ, Ủy ban Nghiên cứu Bắc cực kết luận có một cuộc di chuyển của các loài hải sản xuyên qua eo biển Berings: “Khí hậu toàn cầu nóng lên đã làm cho nghề cá tại biển Bắc, nhất là vùng Barents, Tchouktches, Beaufort... phát triển dữ dội. Vùng này trước kia hoạt động thương mại ở mức tối thiểu. Hơn nữa thời kỳ khai thác cá tại biển Berings sẽ trải rộng hơn khi băng xuất hiện trễ và tan sớm hơn”.

Nhưng cùng lúc đó vẫn có vấn đề khi các đàn cá di chuyển từ lãnh thổ này sang vùng khác. Chẳng hạn: loài cua tuyết dường như đi về hướng nước Nga, rời xa Alaska đi về hướng bắc và tây khi băng tan. Nền công nghiệp béo bở này có thể sẽ biến mất khỏi tay người Mỹ. Glenn Reed, chủ tịch Hiệp hội Đánh bắt hải sản Thái Bình Dương, nói: “Nếu cua di chuyển về hướng Nga, chúng ta sẽ chẳng còn gì để làm nữa. Chỉ có thể ngồi chờ ngày chúng quay trở lại mà thôi!”.

Cho đến gần đây mới chỉ có một vài vùng ở Bắc cực được khai thác một cách khoa học bằng tàu phá băng và tàu ngầm nguyên tử. Nhưng ngày nay, nhiều quốc gia đã gửi các phái đoàn nghiên cứu đên để giành quyền mở rộng lãnh thổ. Theo các chuyên gia, xung đột tại Bắc cực sẽ là thảm khốc nhất.

Đó là nơi duy nhất trên hành tinh mà biên giới của năm quốc gia Nga, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Hoa Kỳ nằm sát cạnh nhau, giống như người ta xẻ trên đỉnh một quả cam. Cả thế giới sẽ tập trung trong một vùng đất và xung đột ác liệt khó lòng tránh khỏi. Ủy ban Bảo vệ thống nhất Bắc cực vẫn còn đứng ngoài rìa.

Năm 2001, họ đã bác bỏ yêu cầu giành hơn phân nửa biển Bắc cực của Nga. Nhưng Matxcơva vẫn chưa bỏ cuộc. Tàu nghiên cứu Akademik Fyodorov của Nga đi thẳng đến đỉnh Bắc cực mới đây sẽ vẽ bản đồ có lợi tối đa cho họ. Tháng 6-2005 Đan Mạch và Canada tuyên bố thành lập một đoàn thám hiểm chung, đi đến các vùng chưa phải là lãnh thổ của mình.

Ưu tiên của Đan Mạch: chứng minh dãy núi ngầm dưới đáy biển Lomonosov dài 1.600km, nối liền với đảo Groenland là lãnh thổ của mình! Họ còn quả quyết đỉnh Bắc cực là tài sản của tổ tiên! Canada cũng muốn giành phần càng lớn càng tốt. Mùa hè năm rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Graham đã đi thăm đảo Hans, một tảng đá dài 3km mà cả Canada và Đan Mạch đều giành quyền làm chủ! Hoa Kỳ cũng đòi giành một phần đáy biển Bắc cực, to hơn tiểu bang California.

Những con đường hàng hải chiến lược mới

Nếu Bắc cực tan băng với tốc độ hiện nay, trong vòng 10 năm tới sẽ mở ra những con đường hàng hải cực kỳ chiến lược. Từ đó sẽ dẫn đến những xung đột khốc liệt.

Các hải lộ mới này sẽ rút ngắn chi phí vận chuyển hàng hải từ châu Âu sang Đông Á rất lớn. Để đi từ London sang Tokyo theo đường tây bắc, xuyên qua đỉnh Bắc Mỹ chiều dài sẽ là 13.680km. Trái lại đi theo tuyến hiện nay phải vòng qua kênh đào Panama, chiều dài 24.140km.

Nếu đi theo tuyến biển Bắc, xuyên qua đỉnh Bắc Âu và Nga chiều dài chỉ là 12.800km. Trái lại đi theo con đường cổ điển, qua kênh đào Suez, bọc vòng xuống Ân Độ Dương, qua eo biển Malacca, phải vượt chiều dài 21.000km.

Kết quả của sự lưu thông ồ ạt này sẽ dẫn đến xung đột, khi các quốc gia sở hữu con đường tìm cách củng cố luật pháp, nhằm bảo vệ nghề đánh cá, ngăn chặn cướp bóc và buôn lậu, bảo vệ lãnh thổ Bắc cực của mình khỏi bị khoan trộm dầu... Vấn đề rắc rối hơn khi Nga và Canada xem tuyến đường là tài sản quốc gia, trong lúc các nước khác thì quả quyết là của... quốc tế!

Chia chác Bắc cực theo cách nào?

Năm quốc gia tương lai sẽ kiểm soát trực tiếp đường hàng hải và nguồn tài nguyên thiên nhiên của Bắc cực là Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Hoa Kỳ. Tình hình hiện nay là mỗi quốc gia ven vành đai Bắc cực kiểm soát từ bờ biển của mình kéo dài đến 426km. Không nước nào sở hữu được vùng đỉnh chóp. Các quốc gia liên can có thể đưa yêu sách của mình và phải được Liên Hiệp Quốc chuẩn y. Thế nhưng, nước nào cũng muốn lấn thêm, ít nhất trên bàn đàm phán. Hiện có hai quan điểm đang đối chọi nhau.

Phương pháp xẻ đường trung tuyến: do Liên Hiệp Quốc, Canada và Đan Mạch đề xướng. Biển Bắc cực sẽ được chia theo đường kéo dài từ biên giới của mỗi nước, kéo dài đến tận đỉnh chóp. Với cách thức này, Đan Mạch là sở hữu chủ của đỉnh Bắc cực.

Phương pháp cánh quạt: do Nga và Na Uy đề xướng. Đỉnh Bắc cực là tài sản chung, từ đó vẽ những đường rẽ quạt đi đến biên giới của từng quốc gia, giống như xẻ một quả cam.

Thế nhưng, lịch sử cho thấy rằng đàm phán thường không xong khi chưa xảy ra xung đột.

Tình hình hiện nay: các quốc gia tiếp giáp biển Bắc cực có quyền kiểm soát đến 426km cách bờ biển hiện hữu của mình.

Chia Bắc cực theo cách đề nghị của Canada, Đan Mạch và LHQ: tỉ lệ theo chiều dài của bờ biển mỗi nước, kéo dài đến đỉnh Bắc cực.

Chia theo đề nghị của Nga và Na Uy: theo đường kinh tuyến xuất phát từ Bắc cực kéo xuống biên giới các nước bao quanh, như xẻ quả cam từ đỉnh chóp.


TRUNG LÊ 

Tổng hợp từ New Scientist, Sciences & Avenir
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video