Các nhà khoa học Anh phát hiện bằng chứng cho thấy công trình tượng đài cự thạch Stonehenge lúc đầu có thể được xây ở Wales.
Phát hiện về mỏ cung cấp đá xanh cho công trình Stonehenge ở Wiltshire, Salisbury, khiến các nhà khảo cổ học tin rằng tượng đài tiền sử lớn nhất nước Anh lúc đầu được dựng lên ở Wales. Trước đây, nghiên cứu chỉ ra loại đá xanh tạo thành hình móng ngựa ở trung tâm tượng đài được đưa tới từ đồi Preseli ở Pembrokeshire, cách đồng bằng Salisbury hơn 200km.
Các nhà khảo cổ phát hiện ra hàng loạt hốc lõm ở các mỏm đá Carn Goedog và Craig Rhos-y-felin phía bắc đồi Preseli, trùng với hình dáng và kích thước những khối đá xanh của Stonehenge. Ngoài ra, họ còn tìm thấy nhiều khối đá đã gọt đẽo bị thợ xây bỏ lại và một khu vực tập kết đá trước khi kéo đi.
Hình phục dựng công trình tượng đài Stonehenge ở Salisbury, Anh. (Ảnh: gaia).
Vỏ hạt phỉ và than gỗ tại khu vực dựng trại của công nhân xây dựng được giám định niên đại bằng đồng vị cacbon để xác định thời điểm khai thác đá. Theo Mike Parker Pearson, giám đốc dự án kiêm giáo sư ở Đại học London, những phát hiện rất lý thú. Nhóm nghiên cứu công bố kết quả phát hiện trên tạp chí Antiquity hôm 7/12.
"Mốc thời gian những khối đá được gọt đẽo là năm 3.400 trước Công nguyên ở Craig Rhos-y-felin và 3.200 trước Công nguyên ở Carn Geodog. Trong khi đó, những khối đá xanh chỉ dựng lên ở Stonehenge vào khoảng năm 2900 trước Công nguyên. Nhiều khả năng lúc đầu những khối đá này được dùng cho một tượng đài ở khu vực gần mỏ đá, sau đó bị tháo dỡ và kéo tới Wiltshire để xây tượng đài Stonehenge", Pearson cho biết.
Bằng chứng về niên đại cũng cho thấy Stonehenge có lịch sử lâu đời hơn. Một giả thuyết Pearson đưa ra là những người thợ xây Stonehenge ở xứ Wales, còn Stonehenge ngày nay chỉ là công trình tái dựng.
Vận chuyển những khối đá xanh khổng lồ qua quãng đường kéo dài từ Wales tới Wiltshire là một trong những kỳ tích ấn tượng nhất của xã hội thời Đồ đá mới. Các nhà khảo cổ ước tính mỗi khối đá có trọng lượng gần 2 tấn và Stonehenge được tạo thành từ 80 tảng đá nguyên khối như vậy. Con người hoặc các loài gia súc có thể kéo những khối đá này trên các con lăn bằng gỗ, giống đường ray tàu hỏa ngày nay.
Các bộ lạc ở Madagascar và nhiều cộng đồng dân cư khác từng di chuyển những khối đá lớn ở khoảng cách xa. "Một giả thuyết được đưa ra gần đây cho rằng Stonehenge là tượng đài của sự thống nhất, tập hợp người dân từ nhiều vùng khác nhau của nước Anh", Pearson nói.