Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Chicago cho thấy rằng, luôn giữ mình trong trạng thái bận rộn là bí quyết hiệu quả nhất giúp bạn tránh có những suy nghĩ tiêu cực, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Bận rộn sẽ giúp bạn có cảm giác cuộc sống hạnh phúc hơn. (Ảnh: Opera.com)
Tiến sĩ Christopher Hsee, một nhà tâm lý hành vi và các cộng sự tại đại học Chicago đã tiến hành một cuộc nghiên cứu với 98 sinh viên. Những sinh viên tình nguyện được yêu cầu điền thông tin vào hai phiếu điều tra. Sau khi hoàn thành phiếu thứ nhất, những người tham gia có 15 phút nghỉ ngơi trước khi điền thông tin vào phiếu thứ 2.
Để nộp lại phiếu điều tra thứ nhất cho nhóm nghiên cứu, những sinh viên tình nguyện có hai lựa chọn: đặt phiếu vào một chỗ gần đó hoặc một chỗ khá xa so với vị trí ngồi của họ. Nếu đặt phiếu vào chỗ xa, tình nguyện viện sẽ phải thực hiện vài bước chân. Không ngạc nhiên khi có tới 2/3 số sinh viên chọn đặt phiếu vào chỗ gần.
Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục yêu cầu những sinh viên tình nguyện cho biết mức độ hài lòng của họ sau khi hoàn thành phiếu thứ nhất thông qua phiếu điều tra thứ 2. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những sinh viên chọn cách nộp phiếu ở vị trí xa mới là những người cảm thấy hạnh phúc hơn. Từ đó, tiến sĩ Christopher đưa ra kết luận trạng thái bận rộn khiến con người cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống.
Tiến sĩ Christopher Hsee cũng cho rằng những phát hiện này có thể là những gợi ý giúp các nhà lãnh đạo tìm ra những chính sách tăng mức độ hạnh phúc của những công dân nhàn rỗi: “Chính phủ có thể làm tăng mức độ hạnh phúc của những công dân nhàn rỗi bằng cách tạo điều kiện cho họ được hoạt động nhiều hơn”.
Trong khi đó, đối với từng cá nhân, tiến sĩ Hsee khuyên rằng: “Mọi người nên giữ mình trong trạng thái bận rộn. Bạn có thế làm bất kỳ một việc gì đó, cho dù việc đó chẳng mang đến kết quả cụ thể. Những việc đó sẽ giúp bạn hài lòng với cuộc sống hơn.”
"Để giữ mình luôn bận rộn, bạn không nhất thiết phải hoạt động chân tay thường xuyên, đơn giản bản có thể giữ tâm trí của mình luôn suy nghĩ về một vấn đề nào đó.”
(Nguồn: Telegraph)