Mùa đông trên Trái Đất có trước khi con người phát minh ra nhiệt kế. Tuy nhiên, căn cứ vào những số liệu lịch sử, các nhà khoa học Anh mới đây đã cho công bố bảng xếp hạng những mùa đông lạnh nhất trong lịch sử loại người.
Toàn thế giới đang phải trải qua một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam, nơi đâu cũng băng tuyết, giá lạnh. Tuy nhiên, so với những mùa đông đã qua trong lịch sử thì nhiệt độ xuống -17 độ C ở Hàn Quốc hay -30 độ C ở Hàn Cực của Nga vẫn còn “ấm” hơn rất nhiều.
Theo báo cáo mới nhất của các nhà khoa học Anh, mùa đông năm 401 và 801 là hai mùa đông lạnh nhất trong lịch sử. Khi đó, toàn bộ biển Đen đã bị biến thành một “khay đá”.
Năm 859, toàn bộ biển Adriatic ở phía Đông Italia cũng bị đóng băng. Người ta có thể đi bộ từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây để đến thành phố Venice.
850 năm sau, hiện tượng này lại lặp lại. Mùa đông năm 1010-1011, toàn bộ khu vực biển Đen, ven bờ Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng. Băng giá còn lan đến tận châu Phi “nóng nực” khiến dòng sông Nil ngừng chảy vì bị các lớp băng bao phủ.
Loài người đang trải qua một trong những mùa đông rét mướt nhất trong lịch sử?
Mùa đông năm 1210-1211, các dòng sông Po ở miền Bắc Italia và sông Rona ở Romani bị đóng băng hoàn toàn. Trong khi đó, biển Adriatic một lần nữa cũng bị đông cứng.
Đứng tiếp theo trong “bảng xếp hạng mùa đông” là mùa đông của các năm 1322, 1316, 1326, 1365, 1407-1408, 1420, 1468, 1558.
Đến thế kỷ XVIII, các số liệu đã trở nên chính xác hơn cùng với sự ra đời của nhiệt kế. Theo đó, năm 1709, toàn bộ thành phố Paris của Pháp ngập chìm trong băng tuyết. Nhiệt độ xuống -24 độ C kéo dài trong nhiều ngày. Đến những chai rượu nho ủ trong hầm cũng phải đóng băng. Đến năm 1795, nhiệt độ ở Paris lại xuống đến -23 độ C.
Trong thế kỷ XX, mùa đông 1953-1954 được coi là có cái lạnh khủng khiếp nhất. Băng giá bao trùm một vùng rộng lớn từ Baltic đến dãy Ural. Hầu như toàn bộ Bắc Bán cầu chìm trong giá lạnh.
Gần đây nhất là năm 2002 khi giao thông đường thủy ở châu Âu gần như bị tê liệt vì mặt nước bị đóng băng. Nhiều tàu thuyền bị mắc két trong lớp băng có độ dày lên tới 70cm.