Báo cáo của CDC tuyên bố: Nước Mỹ đã bước vào thời kỳ hậu kháng sinh

Chỉ tính riêng ở Mỹ, cứ sau 15 phút lại có một người chết vì nhiễm trùng kháng kháng sinh. Đó là 4 người sau mỗi giờ, gần 100 người sau mỗi ngày và 35.000 cái chết mỗi năm.

Những con số gây sửng sốt vừa được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nêu ra trong một báo cáo mới tuần này. Chủ đề của báo cáo là "tình hình cấp bách trong cuộc chiến của chúng ta với vi khuẩn kháng kháng sinh", bản báo cáo tuyên bố.

Mặc dù CDC chỉ đang nêu ra những con số tại Mỹ, nhưng kháng kháng sinh chắc chắn là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 700.000 người chết vì nhiễm trùng kháng thuốc.

Và nếu chúng ta không tìm ra được giải pháp cho vấn đề, con số được dự báo là sẽ tăng lên tới 10 triệu vào giữa thế kỷ. Khi đó, những căn bệnh nhiễm trùng được điều trị dễ dàng trong thế kỷ 20 có thể quay lại giết chết nhiều người trong số chúng ta hơn cả ung thư.


Vi khuẩn kháng kháng sinh là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra khi chúng ta lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh.

Vi khuẩn kháng kháng sinh là hệ quả tất yếu sẽ xảy ra khi chúng ta lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho cho con người, động vật và cả cây trồng. Ngay sau khi một loại kháng sinh mới được điều chế thành công, nó có thể mang lại kết quả tuyệt vời.

Thuốc sẽ cứu sống được nhiều sinh mạng, nhưng chỉ là trong một khoảng thời gian. Sau đó, một số vi khuẩn bắt đầu thích nghi được với sự có mặt của các hợp chất ấy. Dần dần, kháng sinh này trở nên kém hiệu quả, và chúng ta không còn có thể dùng đến chúng để điều trị.

Trên thực tế, kháng sinh đang đóng vai trò như một loại thuốc trụ cột của nền y học hiện đại. Nó không chỉ giúp chúng ta chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, mà còn là các nhiễm trùng thông thường và phổ biến hơn như viêm tai mũi họng, viêm phế quản, nhiễm trùng da, đường tiết niệu...

Đối với tất cả các căn bệnh này, vi khuẩn đang ngày càng trở nên kháng thuốc. Các thủ thuật như đẻ mổ, phẫu thuật, thay khớp đều đang trở nên nguy hiểm hơn vì nguy cơ nhiễm trùng kháng thuốc điều trị.

Hai trong số các mối đe dọa khẩn cấp nhất hiện nay đang đến từ vi khuẩn C. difficile (một bệnh nhiễm trùng đôi khi do lạm dụng kháng sinh) và N. gonorrhoeae kháng thuốc (đôi khi còn được gọi là siêu vi khuẩn lậu).

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo của họ từ nhiều năm nay, rằng chúng ta đang tiến đến một thời kỳ gọi là hậu kháng sinh. Đúng như tên gọi của nó, hậu kháng sinh bắt đầu từ thời điểm các loại thuốc kháng sinh của chúng ta trở nên vô dụng, mọi vi khuẩn khi đó đều có thể biến thành siêu vi khuẩn và chúng sẽ dễ dàng làm suy giảm sức khỏe của chúng ta.

Đối mặt với vực thẳm đó, con người vẫn đang tiếp tục lạm dụng kháng sinh, tiếp tục thúc đẩy vi khuẩn tiến hóa để kháng được thuốc. Các bác sĩ kê đơn kháng sinh cho cả những bệnh nhân mắc bệnh do virus như cảm lạnh. Những người nông dân trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, với mong muốn phòng bệnh và vỗ béo cho gia súc, gia cầm...

Tuy nhiên, bản báo cáo mới của CDC không hoàn toàn là những tin xấu. Trong môi trường bệnh viện, chúng ta đang thực hành tốt việc kiểm soát kháng kháng sinh và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Lấy ví dụ về nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) đã giảm. Staphylococcus aureus kháng Vancomycin (VRSA) không còn được coi là mối đe dọa. Nhìn chung, các trường hợp tử vong do kháng thuốc kháng sinh đã giảm 18% so với năm 2013.

Nhưng ngay cả khi số ca tử vong đã giảm, kháng kháng sinh vẫn được coi là một vấn đề cấp bách.

Bản báo cáo CDC nói. "Cả bạn và tôi đang sống trong thời đại mà một số loại thuốc thần kỳ không còn thực hiện được phép lạ của chúng, và các gia đình đang bị chia tách bởi một kẻ thù siêu nhỏ".

Các bác sĩ như Amy Mathers, trưởng Phòng thí nghiệm Sink Lab tại Đại học Virginia, đã tận mắt nhìn thấy điều này. Cô ấy chia sẻ rằng trong một thập kỷ qua, có một số bệnh nhân ở Mỹ đã bị nhiễm những vi khuẩn không có thuốc điều trị. "Mười năm trước, hiếm lắm mới có một trường hợp như vậy", cô nói.

"Còn bây giờ? Tôi thấy điều đó mỗi tháng một lần".

Để đối phó với kỷ nguyên hậu kháng sinh, đây là những gì CDC khuyên làm:

Bản báo cáo mới nhấn mạnh 3 phương pháp chính để đối phó với siêu vi khuẩn kháng thuốc. Các bác sĩ, chuyên gia y tế, nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe và mọi người dân bình thường đều nên trang bị cho mình những kiến thức này.

1. Chúng ta nên ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi nó xảy ra

Phòng bệnh hơn chữa bệnh - đó là một lời khuyên được lặp đi lặp lại. Các bác sĩ nên hỏi bệnh nhân xem trước đây họ đã từng nằm viện hoặc đi du lịch đến một quốc gia nào khác hay không (bởi siêu vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan qua biên giới). Ngoài ra, họ cũng phải đảm bảo bệnh nhân của mình đã được được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ.

Chúng ta, những người dân bình thường, có thể ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, quan hệ tình dục an toàn, và nếu bạn chuẩn bị đi du lịch tới một nước nào đó, hãy đảm bảo tiêm vắc-xin theo khuyến cáo của bác sĩ. Hãy cảnh giác với một số thực phẩm và đồ uống không hợp vệ sinh có thể đưa bạn vào nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

2. Quản lý kháng sinh để làm chậm sự phát triển của siêu vi khuẩn kháng thuốc

CDC ước tính có khoảng gần 160 triệu toa thuốc kháng sinh được kê ở Mỹ mỗi năm, nhưng 30% trong số đó, khoảng 47 triệu toa không thực sự cần thiết. Nếu tiết kiệm được những toa thuốc này, nước Mỹ tin rằng họ có thể làm chậm quá trình vi khuẩn phát triển kháng kháng sinh.

Điều tương tự cũng xảy ra với bạn trên góc độ cá nhân. Nếu bạn bị cảm lạnh, cảm cúm, tiêu chảy, hoặc một bệnh gì đó có khả năng tự khỏi sau vài ngày, hãy hỏi bác sĩ xem các triệu chứng của bạn có nên dùng kháng sinh hay không, liệu bạn có ổn không nếu không cần dùng thuốc?

3. Ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh

Các bệnh viện, phòng khám và dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên cập nhật sớm các báo cáo trường hợp khi có một ai đó mắc vi khuẩn kháng thuốc. Điều này sẽ cho phép họ có thời gian để triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế lây lan.

Ví dụ, đầu năm nay, một bệnh nhân ở Quận Cam, California, đã xét nghiệm dương tính với C. auris, một loại nấm đa kháng thuốc có thể gây nhiễm trùng xâm lấn và tử vong. Theo một báo cáo của CDC, cơ sở y tế địa phương đã kịp thời tiến hành sàng lọc cho hàng trăm bệnh nhân khác trong diện nguy cơ.

Khi một bệnh nhân mới được xác định nhiễm C. auris, họ ngay lập tức được đưa vào phòng cách ly đặc biệt. Phản ứng nhanh chóng đã giúp ngăn ngừa nấm kháng kháng sinh lây lan sang hàng trăm bệnh nhân dễ bị tổn thương.


Ở Mỹ mỗi năm có khoảng 47 triệu toa thuốc kháng sinh được kê đơn nhưng không thực sự cần thiết.

Các công ty dược phẩm có thể nghiên cứu và phát triển những loại kháng sinh mới, nhưng tại sao họ không làm điều đó?

Một sự thật là từ năm 1962 đến năm 2000, không hề có bất kể một dòng kháng sinh mới nào được phát triển thành công, một phần là do những trở ngại khoa học. Nhưng sự cản trở lớn hơn cả là việc nghiên cứu kháng sinh không đem lại lợi nhuận kinh doanh cho các hãng dược phẩm, bởi vậy, họ không có động lực làm điều đó.

Kể từ năm 1990, 78% các công ty dược phẩm lớn đã tự giảm thiểu hoặc dừng toàn bộ hoạt động nghiên cứu kháng sinh. Để hiểu lý do tại sao điều này lại diễn ra, chúng ta cần đào sâu vào những nghịch lý trong vấn đề đầu tư và thu về lợi nhuận.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng Năm vừa rồi, vấn đề vi khuẩn kháng kháng sinh có thể được giải quyết với mức giá rất rẻ. Theo đó, chỉ cần mỗi người ở các quốc gia thu nhập cao và trung bình đầu tư 2 USD một năm cho hoạt động nghiên cứu thuốc mới và các biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ kháng thuốc, cả thế giới bao gồm các nước nghèo cũng sẽ thoát được cuộc khủng hoảng.

Tổng số tiền cần thiết để đánh bại siêu vi khuẩn là khoảng 1,5-2 tỷ USD mỗi năm, theo Kevin Outterson, một giáo sư tại Đại học Boston chuyên nghiên cứu về vấn đề kháng kháng sinh. Đó là khoản tiền chúng ta chi ra để sử dụng giấy vệ sinh trong vài tháng.

Hơn nữa, kháng kháng sinh là một vấn đề đang nhận được sự đồng thuận cả về mặt khoa học lẫn chính trị. Nó không giống như biến đổi khí hậu, một vấn đề đang gặp phải những tranh cãi giữa cánh tả và cánh hữu, để xem nó có thật hay không.

Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu có một cách hiệu quả về mặt chi phí để giải quyết vấn đề, và nó lại không vướng phải tranh cãi nào về mặt tư tưởng, tại sao chúng ta chưa giải quyết được nó?


Tổng số tiền cần thiết để đánh bại siêu vi khuẩn là khoảng 1,5-2 tỷ USD mỗi năm. Đó là khoản tiền chúng ta chi ra để sử dụng giấy vệ sinh trong vài tháng.

Thật không may, việc nghiên cứu và phát triển một loại thuốc kháng sinh mất rất nhiều thời gian. Và hầu hết các hợp chất mới đều thất bại vì vi khuẩn sẽ kháng được nó.

Ngay cả khi các công ty dược phẩm thành công, lợi nhuận mà họ thu được về từ việc bán kháng sinh cũng rất nhỏ. Đó là bởi một loại thuốc kháng sinh mới - ít nhất là về mặt lý thuyết, sẽ chỉ được dùng làm thuốc dự phòng cho các trường hợp kháng thuốc cuối cùng.

Nghĩa là nó sẽ không thể được bán đại trà như các kháng sinh hay thuốc uống hàng ngày khác. Vì vậy, đối với các công ty dược phẩm, sự đối lập về số tiền đầu tư và lợi nhuận thu được là thứ ngăn cản họ tiếp tục nghiên cứu thuốc kháng sinh.

Mặc dù kháng kháng sinh ảnh hưởng đến các nước thu nhập cao và thu nhập thấp như nhau, nghịch lý là các nước giàu sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với khủng hoảng, và do đó cảm thấy ít khẩn cấp hơn trong việc giải quyết vấn đề một cách chủ động.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc và một số chuyên gia khác cho rằng để giải quyết vấn đề, chúng ta cần thiết kế lại quy trình điều trị kháng sinh. Một trong số đó là đưa thuốc kháng sinh ra khỏi thị trường tự do, thị trường vẫn cho phép giá thuốc được xác định bởi số lượng bán ra vì vậy đẩy mức giá kháng sinh xuống rất rẻ, khiến chúng càng dễ dàng bị lạm dụng.

Một mô hình tốt hơn tại thời điểm này có lẽ nên coi kháng sinh là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng tới xã hội tương đương cơ sở hạ tầng hoặc các vấn đề an ninh quốc gia. Qua đó, các bộ ngành y tế có thể thắt chặt quản lý kháng sinh. Đồng thời, chính phủ cũng có thể tài trợ cho nghiên cứu và phát triển thuốc.

"Kháng sinh là một sản phẩm mà chúng ta muốn bán càng ít càng tốt", giáo sư Outterson giải thích. "Lý tưởng thì mỗi chúng ta chỉ nên có một vỉ kháng sinh trong hộp thuốc nhà mình, loại mà có thể giữ được hiệu lực hàng thập kỷ, và chỉ được dùng khi chúng ta cần nó".

Mặc dù viễn cảnh này là một điều tuyệt vời cho sức khỏe của chúng ta, nhưng giáo sư Outterson cho biết đối với các công ty dược phẩm, đó sẽ là một thảm họa. Họ có thể phải tốn hàng tỷ USD để nghiên cứu phát triển một loại kháng sinh mới, chỉ để bán cho mỗi người 1 vỉ trong 10 năm.


Các công ty dược phẩm có thể phải tốn hàng tỷ USD để nghiên cứu ra một loại kháng sinh mới, chỉ để bán cho mỗi người 1 vỉ trong 10 năm.

Sự bất hợp lý này trong ngành công nghiệp dược phẩm chính lý do tại sao chính phủ (và lý tưởng nhất là khu vực tư nhân và xã hội dân sự) cần phải bước vào giải quyết vấn đề, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.

Các chính phủ nên có các ưu đãi như cấp vốn và tín dụng thuế để hỗ trợ các công ty dược phẩm nghiên cứu kháng sinh ở giai đoạn đầu. Báo cáo cũng kêu gọi các nước giàu giúp các quốc gia nghèo cải thiện hệ thống y tế và khuyến nghị thành lập một hội đồng liên chính phủ mới - giống như hội thảo về biến đổi khí hậu, để giải quyết vấn đề kháng kháng sinh.

Tuy nhiên, để các chính phủ đồng thuận và chung tay giải quyết vấn đề này, trước tiên công chúng cần phải nhận thức và coi đó là ưu tiên hàng đầu. Nhưng thực tế thì không phải tất cả mọi người ngày nay, ngay cả ở một quốc gia như Hoa Kỳ, có thể nhìn nhận và hành động nghiêm túc trước thực trạng kháng kháng sinh.

"Tôi không nghĩ rằng bản thân nền chính trị hay dân trí ở Mỹ bây giờ có thể đưa kháng kháng sinh thành một vấn đề ưu tiên đủ tầm để giải quyết ngay ngày hôm nay", Mathers nói.

Về phần mình, Outterson sợ rằng để khiến cho đại đa số người dân chú ý và hành động trước vấn đề cấp bách này, số người chết vì vi khuẩn kháng kháng sinh sẽ còn phải leo cao hơn nữa.

Khi kháng kháng sinh chưa gõ cửa nhà bạn, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Cần bao nhiêu người chết trước khi bạn quan tâm đến vấn đề này, và thúc đẩy hành động của chính mình cũng như xã hội?

Cập nhật: 16/11/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video