Bão Cimaron hướng vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi

*  Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương  chống bão tại Đà Nẵng 
*  Điều 42 tàu hải quân túc trực

Các cơ quan khí tượng trong khu vực như Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ, TSR và Hong Kong đêm qua nhận định bão Cimaron (tiếng Philippines nghĩa là bò rừng) hiện có sức gió 167km/giờ (cấp 15) và giật 204km/giờ (cấp 17). Dự báo trong ngày hôm nay bão sẽ mạnh thêm với sức gió lên 195km/giờ (cấp 16).

Bão Cimaron đã tiến vào biển Đông và đang di chuyển vào VN. Hướng bão lại găm vào khúc ruột Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các tỉnh phụ cận. Lần này, sau cơn bão Xangsane chấn động, công tác phòng chống bão được các địa phương nâng mức khẩn trương chủ động lên một bước.

Đường đi của bão Cimaron (ảnh chụp qua vệ tinh)

* Đà Nẵng: quân đội và công an sơ tán dân

Sáng 30-10, UBND TP Đà Nẵng đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ban ngành, quận huyện trên địa bàn TP bàn hướng đối phó với bão Cimaron sắp đổ bộ vào đất liền. Mệnh lệnh đưa ra là các điểm xung yếu phải di dời dân sớm hơn. Toàn bộ nhiệm vụ này giao cho quân đội và công an. Rút kinh nghiệm trong cơn bão Xangsane là khi gió lớn xe cứu thương bình thường không thể di chuyển nên UBND TP yêu cầu quân đội tăng cường ít nhất ba xe đặc chủng phục vụ cứu thương.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đề nghị các quận, huyện lập phương án sơ cấp cứu người tại chỗ ngay trong bão để giảm áp lực số nạn nhân đổ dồn lên tuyến trên gây quá tải, náo loạn như trong bão Xangsane vừa qua. TP Đà Nẵng cũng đã xuất 53 máy phát điện tăng cường cho hệ thống bệnh viện, đài phát thanh truyền hình, các quận, huyện. Trước mắt TP trích 400 triệu đồng chuyển cho bảy quận, huyện mua lương thực dự trữ phục vụ việc ăn uống của người dân trong những ngày trước và sau khi bão đổ bộ.

Người dân ven biển quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng khẩn trương chèn chống nhà cửa chuẩn bị đối phó với bão Cimaron (Ảnh: Đăng Nam)

Tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết: đến trưa 30-10 vẫn còn 109 phương tiện đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng với 624 ngư dân chưa kịp về đất liền. Toàn bộ số tàu thuyền này hiện đang ở các vùng biển ven Trường Sa và nam vịnh Bắc bộ. TP Đà Nẵng chỉ đạo bằng mọi cách phải liên lạc, thông báo cho các tàu trên biết đường đi của bão Cimaron để tránh, không nhất thiết phải chạy về Đà Nẵng. TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các đơn vị thi công phải gỡ bỏ toàn bộ hệ thống cần cẩu, phương tiện thi công xuống đất; hạ, gỡ các biển quảng cáo lớn; tăng cường hệ thống truyền thanh kêu gọi người dân khẩn trương gia cố lại nhà cửa bằng bao cát.

* Hội An: cứu hộ cho di tích

Trao đổi với PV chiều 30-10, ông Nguyễn Sự - bí thư Thị ủy Hội An - cho biết đến trưa 30-10 toàn bộ các tàu thuyền của ngư dân Hội An đã được đưa vào nơi trú ẩn tại âu thuyền cù lao Chàm và dọc hạ lưu sông Hoài. Thị xã cũng đã triển khai các phương án di dời dân ở vùng ven biển của các phường Cẩm An, Cửa Đại, thôn 7, thôn 8, xã Cẩm Thanh, Cẩm Kim và vùng sạt lở ở bờ sông Cẩm Nam đến các điểm cư trú tập trung an toàn.

Riêng ở các xã phường khác sẽ di dời dân đến các nhà kiên cố. Đặc biệt là khu phố cổ đã rệu rã sau nhiều trận bão và lũ mới đây, thị xã đã chỉ đạo cho Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích đưa lực lượng túc trực tại các điểm di tích bị hư hại, sẵn sàng cứu hộ cho 39 di tích.

Sáng 30-10, người dân trên đường Hùng Vương, Đà Nẵng xúc những bao cát để chèn chống nhà cửa sẵn sàng đối phó với bão Cimaron (Ảnh: Đ.Nam)

* Quảng Ngãi: còn hơn 730 tàu thuyền ngoài khơi

Sáng 30-10, tại cuộc họp triển khai phòng tránh bão Cimaron, đại tá Nguyễn Thanh Phương, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, cho biết đã kêu gọi 117 tàu thuyền đang đánh bắt ngoài biển với 1.422 lao động về nơi an toàn. Tuy vậy, vẫn còn 734 tàu thuyền với 4.173 lao động đang ở ngoài khơi; trong đó ở khu vực vùng biển phía bắc của tỉnh còn 392 tàu thuyền với 2.246 lao động; khu vực Trung Sa và quần đảo Trường Sa còn 22 tàu với 316 lao động.

Ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Ngãi, chỉ đạo bộ đội biên phòng, ngành thủy sản liên lạc, hướng dẫn cho tàu thuyền vào trú ẩn nơi an toàn; khẩn trương triển khai kế hoạch đối phó với bão và phương án di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, chậm nhất là đến 16 giờ ngày 31-10. Với các công trình đang xây dựng, nhất là các công trình ven biển, khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu... phải tạm ngừng thi công kỹ thuật, kiểm tra lại các hạng mục quan trọng đồng thời phải triển khai phương án đối phó với bão.

NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG

Thành lập ban chỉ đạo tiền phương chống bão tại Đà Nẵng

* Điều 42 tàu hải quân túc trực đối phó bão

Hôm qua 30-10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành và UBND các tỉnh chủ động triển khai các phương án đối phó với bão Cimaron (bão số 7).

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh  ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phải theo dõi sát sao diễn biến của bão; tập trung lực lượng, phương tiện chủ động đối phó và khắc phục hậu quả; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão, trú bão an toàn. Giao Bộ ngoại giao phối hợp các bộ ngành theo dõi diễn biến của bão; có công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện giúp đỡ cho tàu thuyền và ngư dân ta tạm trú tránh bão.

Cũng trong sáng qua, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống cơn bão số 7; chuẩn bị phương án sơ tán dân và phải cơ bản sơ tán xong hết dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17 giờ ngày 1-11. Ban chỉ đạo cũng quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7 đặt tại Đà Nẵng do Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trực tiếp chỉ đạo. Đồng thời thành lập ba đoàn công tác tại ba địa phương: Quảng Trị (do lãnh đạo Bộ Thủy sản làm trưởng đoàn), Quảng Ngãi (do trung tướng Nguyễn Đức Soát - phó tổng tham mưu trưởng - Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn), Thừa Thiên - Huế (do một lãnh đạo cấp tổng cục làm trưởng đoàn).

Từ 21 giờ ngày 29-10, các đơn vị biên phòng từ Thanh Hóa đến Kiên Giang đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo qui định tại 46 điểm ở cửa sông, trên đảo, ven bờ. 

Được biết, quân chủng hải quân đã điều động 42 tàu hải quân trên các khu vực và chín tàu ứng trực tại các căn cứ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. 

T.PHÙNG - L.SƠN - K.HƯNG

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video