Được chôn cất cùng với Càn Long, vị hoàng đế nổi tiếng của nhà Thanh, nhưng ít ai ngờ rằng sức mạnh bí ẩn của bảo vật này lại khiến cho người sở hữu hứng chịu kết cục bi thảm.
Đó chính là Cửu Long bảo kiếm, một bảo vật hiếm có và vô cùng có giá trị vào thời nhà Thanh. Sở dĩ gọi là Cửu Long bảo kiếm là vì trên phần thân của thanh kiếm quý này có khắc 9 con rồng vàng, tượng trưng cho "cửu cửu quy nhất", thể hiện sức mạnh và ước nguyện mãi trường tồn của nhà Thanh.
Đây được coi là một trong những báu vật mà lúc sinh thời Càn Long (1711-1799), một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của nhà Thanh, rất mực yêu thích. Thậm chí, thanh kiếm đặc biệt này đã được bồi táng cùng với ông sang thế giới bên kia.
Theo "Thanh sử cảo", bộ chính sử nổi tiếng của nhà Thanh, Thanh Cao Tông (niên hiệu Càn Long) là vị hoàng đế thứ 6 của triều đại này. Lên ngôi vào năm 1735, trị vì hơn 60 năm, Càn Long được coi là vị hoàng đế tài ba khi góp phần quan trọng tạo nên thời kỳ cực thịnh của triều đại này.
Sau khi lên ngôi, vào năm Càn Long thứ 8 (tức năm 1743), hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử nhà Thanh đã ra lệnh xây cất Dụ Lăng làm nơi yên nghỉ của mình và công trình xa hoa này phải tới năm 1752 mới hoàn thành.
Ngoài việc được trang hoàng xa hoa và công phu, một trong những địa điểm hấp dẫn nhất trong Dụ Lăng chính là địa cung. Theo đó, đây cũng chính là nơi yên giấc ngàn thu của hoàng đế Càn Long cùng với những nữ nhân mà ông yêu thương. Đó là Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu, Tuệ Hiền, Triết Mẫn và Thục Gia Hoàng quý phi.
Cửu Long bảo kiếm là báu vật vô giá trong lăng mộ hoàng đế Càn Long.
Giống như những lăng mộ đế vương khác, nơi chôn cất của Càn Long là một trong những địa điểm rất thu hút mộ tặc, đặc biệt khi ông là vị hoàng đế trị vì nhà Thanh ở giai đoạn thịnh trị.
Cửu Long bảo kiếm: Vũ khí mang "âm khí" đáng sợ trong lăng mộ Càn Long
Giá trị khổng lồ từ những đồ vật quý giá trong lăng mộ là động lực lớn lao giúp mộ tặc có thể liều lĩnh xâm phạm nơi yên nghỉ của không ít nhân vật lừng lẫy trong lịch sử. Tuy nhiên, cũng có không ít lần những kẻ trộm mộ phải trả một cái giá quá đắt, thậm chí là bi thảm, khi cả gan đánh cắp bảo vật trong lăng mộ hoàng gia.
Bí ẩn khó lý giải liên quan tới Cửu Long bảo kiếm, thứ vũ khí có 1-0-2 trong lăng mộ của Càn Lăng là một minh chứng cho thấy rõ điều đó.
Dù được tìm thấy trong Dụ Lăng, nơi an nghỉ của Càn Long, nhưng lai lịch thật sự của thanh kiếm này vẫn còn là một ẩn số đối với các chuyên gia nghiên cứu.
Trang QQ chỉ ra một số ghi chép lịch sử về bảo vật hiếm có này. Theo đó, Cửu Long bảo kiếm được cho là xuất hiện vào năm Càn Long thứ 23. Lưỡi kiếm của nó hơi cong, dài gần 1,5 mét và gần giống như kiếm của người Mông Cổ. Đặc biệt phần bao kiếm được làm bằng da cá mập và phía bên trên được khảm ngọc bích, nhiều loại đá quý và kim cương lấp lánh.
Tương truyền, Cửu Long bảo kiếm vốn là một thứ bảo vật mang nhiều âm khí, đặc biệt là luôn có một lớp sương mù kỳ lạ bao quanh thanh kiếm. Hoàng đế Càn Long khi lần đầu trông thấy thanh kiếm này đã bị thu hút và từ đó trở thành bảo vật yêu quý của ông.
Chưa hết, người ta thường cho rằng thợ đúc kiếm đã sử dụng máu của 49 người độc ác nhằm "nguyền rủa" thanh kiếm này.
Lời nguyền chết chóc và bí ẩn trong Cửu Long bảo kiếm dường như đã ứng nghiệm, đặc biệt là sau khi mộ tặc đánh cắp từ lăng mộ của hoàng đế Càn Long và kết cục bi thảm của 4 người sở hữu nó.
Lời nguyền chết chóc ẩn giấu trong thanh bảo kiếm, mộ tặc trả giá đắt
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7/1928 khi đám trộm mộ do Tôn Điện Anh, một tướng quân phiệt thời Dân Quốc bất ngờ sử dụng chất nổ dưới danh nghĩa là tập trận quân sự, để phá vỡ lối vào của lăng mộ Càn Long và Từ Hy thái hậu ở Thanh Đông lăng, thuộc vùng Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc.
Đám mộ tặc do Tôn Điện Anh cầm đầu đã phá vỡ lối vào và xông vào cướp bóc châu báu, bảo vật trong lăng mộ của Từ Hy thái hậu.
Thanh Dụ lăng, nơi an nghỉ của hoàng đế Càn Long cùng nhiều vị phi tần cũng không tránh khỏi kiếp nạn bị mộ tặc cướp bóc.
Xâm nhập vào địa cung của hai lăng mộ xa hoa này, bè lũ của Tôn Điện Anh đã tiến hành vơ vét rất nhiều bảo vật, châu báu, trong đó có Cửu Long bảo kiếm.
Hành vi xâm phạm lăng mộ hoàng gia của Tôn Điện Anh đã chấn động lớn. Nhiều người đã yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc tội ác của đám mộ tặc liều lĩnh này.
Trước làn sóng tranh cãi cùng áp lực mạnh mẽ từ phía dư luận, Tôn Điện Anh đã sử dụng một số bảo vật lấy được trong Thanh Đông lăng nhằm chạy tội và tránh sự trừng phạt.
Theo báo cáo của Nam Kinh nhật báo, những kẻ trộm mộ cùng tham gia với Tôn Điện Anh tiết lộ rằng, lăng mộ của hoàng đế Càn Long có rất nhiều báu vật ở trong quan tài. Tuy nhiên, thứ quý giá nhất lại chính là chuỗi ngọc ở trên cổ của Càn Long Đế và thanh Cửu Long bảo kiếm được đặt ở cạnh ông.
Tương truyền, Cửu Long bảo kiếm là thanh kiếm mang nhiều âm khí và bất cứ ai sở hữu nó thì cũng phải gánh chịu một kết cục thảm khốc.
Cụ thể, vào năm 1939, mộ tặc khét tiếng này đã quyết định giao nộp Cửu Long bảo kiếm cho Đới Lạp nhằm chuyển tới tận tay của Tưởng Giới Thạch, lúc bấy giờ là một trong những nhân vật chủ chốt của Quốc Dân Đảng.
Sau khi tiếp nhận, do tình hình hỗn loạn nên Đới Lạp giao lại thanh kiếm cho Mã Hán Tam, chủ nhiệm văn phòng Bình Tân, giữ hộ, chờ đợi thời điểm thích hợp để đưa tới cho Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, người họ Mã này khi đó lại nổi lòng tham, trì hoãn thời gian giao nộp và muốn biến thanh kiếm quý này thành của riêng mình.
Không may là Mã Hán Tam đã bị quân Nhật bắt giữ vào năm 1940 và để bảo toàn tính mạng thì ông không những cung cấp thông tin về các căn cứ quân sự ở Trương Gia Khẩu (Hà Bắc) mà còn buộc phải tặng lại Cửu Long bảo kiếm cho thủ lĩnh Sở Mật vụ của Nhật Bản.
Dù vậy, sau cùng thì thanh kiếm này lại rơi vào tay của một nữ điệp viên người Nhật tên là Kawashima.
Đáng tiếc, vào tháng 10/1945, tức là sau chiến thắng chống Nhật, điệp viên Kawashima bất ngờ bị Quốc Dân Đảng bắt giữ. Cô đã khai nhận về việc người đàn ông tên là Mã Hán Tam giao nộp Cửu Long bảo kiếm và một lần nữa bảo vật này lại quay trở lại trong tay Đới Lạp.
Do chưa được chuyển đến tay của Tưởng Giới Thạch, nên kể từ sau khi bị đánh cắp khỏi lăng mộ của hoàng đế Càn Long, Cửu Long bảo kiếm đã qua tay của bốn người. Đó là Tôn Điện Anh, Đới Lạp, Mã Hán Tam và nữ điệp viên khét tiếng Kawashima. Thế nhưng, kết cục của bốn người này đều vô cùng đáng sợ.
Lời nguyền bí ẩn trên thanh kiếm dường như ứng nghiệm và cả bốn người trên đều không tránh khỏi kiếp nạn sát thân này.
Chưa ai lý giải về lời nguyền bí ẩn của Cửu Long bảo kiếm, nhưng số phận thảm khốc của 4 người từng sở hữu thứ vũ khí này thật sự khiến cho nhiều người sợ hãi.
Cụ thể, nạn nhân đầu tiên chính là Đới Lạp. Theo đó, vào ngày 17/3/1946, khi mang theo thanh Cửu Long bảo kiếm trên chuyến bay tới Nam Kinh, Đới Lạp bất ngờ tử nạn do máy bay bất ngờ bốc cháy trong vài giờ sau khi đâm sầm vào đỉnh núi Giang Ninh. Kết quả là không chỉ có Đới Lạp thiệt mạng mà thanh kiếm này cũng bị đốt cháy, cũng như không thể đưa đến tay của Tưởng Giới Thạch.
Chưa hết, những người còn lại cũng không tránh khỏi tai ương. Trong khi Mã Hán Tam phải mất mạng vì bị bí mật bắn chết, Tôn Điện Anh, kẻ trộm mộ liều lĩnh đánh cắp bảo kiếm của Càn Long chịu kết cục bi thảm khi bị giam giữ và phải chết ở trong trại tù binh của quân giải phóng. Cuối cùng, nữ điệp viên Kawashima cũng không thoát khỏi số phận khi bị kết án tử hình.
Mặc dù bị cháy và không còn nguyên vẹn, nhưng những bí ẩn xung quanh Cửu Long bảo kiếm cùng lăng mộ của hoàng đế Càn Long vẫn còn là một "bài toán" nan giải, thậm chí còn đáng sợ khi xoay quanh nhiều lời đồn thổi về lời nguyền chết chóc.