Báu vật sông Mê Kông: Cực kỳ quý hiếm trên thế giới, cảnh sát bảo vệ 24/7, có họ với "sát thủ đại dương"

Loài động vật được xem là "báu vật sống" của dòng sông Me Kong - dòng sông dài nhất Đông Nam Á - chính là Cá heo Irrawaddy (danh pháp khoa học: Orcaella brevirostris).

Giới sinh vật học quốc tế đánh giá, loài cá heo Irrawaddy xinh đẹp, nhỏ nhắn này là biểu tượng cho sự hùng vĩ của dòng sông Me Kong dài thứ thứ 7 ở châu Á và thứ 12 trên thế giới (4.350 km) cùng sự đa dạng sinh học cao liên tục của nó.


Hình ảnh loài cá heo quý hiếm sinh sống tại sông Me Kong. (Ảnh: Getty Images).

Tuy nhiên, sinh vật này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Chính những hoạt động của con người đã khiến số lượng loài này giảm xuống. Hãy xem đâu là nguyên nhân và đâu là nỗ lực sửa sai của chính con người chúng ta nhằm bảo vệ sự đa dạng loài trên hành tinh này.

"Báu vật sống" của dòng sông dài nhất Đông Nam Á

IUCN cho biết, cá heo Irrawaddy phân bố không liên tục ở vùng nước ven biển của vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhiệt đới và cận nhiệt đới, và chủ yếu liên quan đến nguồn nước ngọt. 

Theo khảo sát thực hiện năm 2017 của IUCN, cá heo Irrawaddy xuất hiện ở 12 quốc gia châu Á là Bangladesh; Brunei; Campuchia; Ấn Độ; Indonesia; Lào; Malaysia; Myanmar; Philippines; Singapore; Thái Lan; Việt Nam (còn gọi là cá nược tại nước ta).

Các quần thể ven biển và cửa sông xuất hiện từ Borneo và các đảo trung tâm của quần đảo Indonesia về phía bắc đến Palawan, Philippines và phía tây đến Vịnh Bengal, bao gồm Vịnh Thái Lan. Ngoài ra còn có các quần thể nước ngọt phụ ở ba con sông lớn: Ayeyarwady ở Myanmar (cách cửa sông tới 1.400 km về phía thượng nguồn), Mahakam ở Indonesia và sông Me Kong chảy qua Campuchia và Lào.

Hiện tại, phần sông Me Kong dài 180km ở Đông Bắc Campuchia là môi trường sinh thái cuối cùng còn nguyên vẹn của cá heo Irrawaddy.


Cá heo Irrawaddy sống trên sông Me Kong ở phần Đông Bắc Campuchia trở thành quần thể lớn nhất. (Ảnh: Thai National Parks).

Đoạn sông này là nơi trú ẩn của 89 cá thể cá heo Irrawaddy (theo khảo sát năm 2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia); đồng thời là một trong 35 khu bảo tồn ưu tiên của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) trên quy mô toàn cầu.

Dù chỉ có 89 cá thể nhưng cũng khiến quần thể cá heo Irrawaddy sống trên sông Me Kong ở phần Đông Bắc Campuchia trở thành quần thể lớn nhất trong số 5 quần thể nước ngọt cực kỳ nguy cấp còn lại của loài này trên thế giới.

Thai National Parks thông tin, một trong những mô tả sớm nhất được ghi chép về cá heo Irrawaddy là của nhà sinh vật học người Anh Sir Richard Owen vào năm 1866 dựa trên một mẫu vật được tìm thấy vào năm 1852, tại bến cảng Visakhapatnam trên bờ biển phía đông của Ấn Độ.

Về mặt di truyền, cá heo Irrawaddy có họ hàng gần với cá voi sát thủ (Orca). Đây là loài cá heo lớn nhất và là một trong những loài săn mồi mạnh nhất thế giới mệnh danh 'sát thủ đại dương'. Khi săn theo bầy đàn, Orca có thể giết chết thành công một con cá voi xanh - loài động vật lớn nhất trên Trái đất, National Geographic cho hay.

Thông tin trên website của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên cho hay, cá heo Irrawaddy là loài cá heo nhỏ, nhút nhát, có màu xám đen với phần dưới nhạt màu hơn, vây lưng tròn nhỏ và đầu tròn tù. Chúng có thể dài tới 2,75m, nặng tới 150kg và thường sống theo nhóm tối đa 6 con.

Cá heo Irrawaddy dành phần lớn thời gian để kiếm ăn. Chúng không phải là loài cá heo đặc biệt năng động hay thích nhào lộn. Loài này thường lặn dưới 2 phút, nhưng thời gian lặn sẽ dài hơn mọt chút khi chúng thấy sợ hãi. Tuổi thọ của cá heo Irrawaddy là khoảng 30 năm và trong khi một số cá thể đạt kích thước trưởng thành ở độ tuổi từ 4 đến 6, thì độ tuổi trưởng thành cụ thể vẫn chưa được biết.

Cá heo Irrawaddy là một trong 3 loài cá voi và cá heo sống ở cả vùng nước ngọt và nước mặn. Quần thể cá heo biển sinh sống ở các vùng ven biển, đặc biệt là vùng nước bùn và nước lợ, trong khi quần thể cá heo nước ngọt thích các vùng nước sâu hơn của hồ và sông lớn. Số lượng cá heo biển lớn nhất được biết đến là khoảng 6.000 con và được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Bangladesh.

Cả 5 quần thể cá heo nước ngọt còn lại đều có số lượng dưới 100 cá thể và được Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê là loài Cực kỳ nguy cấp (CR) và Loài nguy cấp (EN), tùy theo sự phân bố ở các quốc gia khác nhau.

Riêng cá heo Irrawaddy (Orcaella brevirostris) được IUCN liên tục đánh giá từ năm 1988. Đến năm 2017, loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi được phân hạng Loài nguy cấp (EN).

Theo đánh gia của IUCN, trước đây cá heo Irrawaddy từng được tìm thấy trên khắp sông Me Kong từ biên giới Lào-Campuchia xuống đến đồng bằng ở Việt Nam và ở hồ Tonle Sap (Campuchia) - hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Quần thể và phạm vi phân bố của loài cá heo này đã giảm đáng kể trong 4 thập kỷ qua. Vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5 khi mực nước xuống thấp, quần thể cá heo tập trung ở chín vũng nước sâu trong một đoạn sông Me Kong dài 180 km từ phía bắc Kratie (đông Campuchia) đến biên giới Lào.

Trong khi các vũng nước này cung cấp môi trường sống an toàn cho cá heo nghỉ ngơi và kiếm ăn, thì sự tập trung như vậy cũng khiến cá heo dễ bị tổn thương trước các hoạt động đánh bắt cá của con người.

Những mối đe dọa đối với quần thể cá heo sông Me Kong

Sở thích về môi trường sống của cá heo Irrawaddy là nước ngọt và vùng nước ven biển gần cửa sông khiến loài này đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự khai thác và lạm dụng quá mức của con người (vì các hoạt động của con người thường tập trung ở những khu vực này). Sống ở những khu vực rất hạn chế, quần thể nước ngọt đang suy giảm nghiêm trọng về phạm vi và kích thước.

Theo truyền thống, quần thể cá heo Irrawaddy bị tiêu diệt do săn bắt để lấy thịt và dầu; mắc cạn do ngư cụ; đánh bắt bằng thuốc nổ và thậm chí bị nhiều đội quân sử dụng làm mục tiêu tập bắn.


Một con cá heo Irrawaddy bơi trên sông Me Kông ở tỉnh Kratie của Campuchia, ngày 24 tháng 3 năm 2012. (Ảnh: AFP/Gerry Ryan/WWF-Cambodia).

Ngày nay, tỷ lệ tử vong ngẫu nhiên trong các nghề cá quy mô nhỏ - ví dụ như mắc cạn trong lưới rê (Gill net) - là mối đe dọa chính đối với cá heo Irrawaddy trưởng thành ở sông Me Kong, đặc biệt là khi đánh bắt cá ngày càng trở nên chuyên sâu và lưới rê bằng nylon rẻ tiền thay thế cho lưới truyền thống dày hơn, có thể phát hiện cá bằng công cụ định vị tiếng vang của cá heo.

Ngoài ra, còn một số mối đe dọa tiềm tàng khác đó là mất và suy thoái môi trường sống. Việc xây dựng đập và hệ thống thủy lợi (làm giảm môi trường sống của cá heo); ô nhiễm dòng sông (đến từ các loại thuốc trừ sâu, kim loại nặng, hạt nhựa và các chất gây ô nhiễm khác từ công nghiệp, nông nghiệp);

Cuối cùng là giao thông đường thủy (việc di chuyển bằng thuyền phục vụ đi lại và du lịch khiến cá heo căng thẳng vì chúng rất sợ thuyền, dó đó dễ sinh bệnh tật, thậm chí dẫn đến tử vong do va chạm của cá heo thông qua tiếp xúc với chân vịt.

Sửa sai thành công!

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) của IUCN đưa cá heo Irrawaddy vào danh sách các loài cần được bảo vệ khẩn cấp.

Năm 2004, Công ước CITES đã chuyển cá heo Irrawaddy từ Phụ lục II sang Phụ lục I, nhằm cấm mọi hoạt động buôn bán thương mại các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên quy mô toàn cầu.


Số lượng cá heo tại sông Me Kong ở Campuchia đã tăng từ 89 lên tổng 105 cá thể. (Ảnh: Rainforestcruises).

Năm 2005, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã thành lập Dự án Bảo tồn Cá heo sông Me Kong Campuchia (WWF-Campuchia) với sự hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương.

Vào ngày 24/8/2012, chính phủ Campuchia tuyên bố rằng phần sông Me Kong dài 180km ở Đông Bắc Campuchia được tuyên bố là vùng giới hạn đánh bắt cá, cấm sử dụng nhà nổi, lồng đánh cá và lưới rê. Khu vực này được tuần tra 24/7 bởi một mạng lưới Cảnh sát sông, đặc biệt là để bảo vệ cá heo Irrawaddy. 

Trước nỗ lực bảo vệ và bảo tồn loài cá heo Irrawaddy không ngừng nghỉ, đến tháng 7/2024, thế giới đón tin vui từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia: Số lượng cá heo tại sông Me Kong ở Campuchia đã tăng từ 89 lên tổng 105 cá thể, Phnompenh Post thông tin.

Đây là nỗ lực rất lớn đến từ Campuchia (từ cấp chính phủ, chính quyền tỉnh đến cộng đồng địa phương) cũng như các tổ chức về môi trường như Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Campuchia.

Bắt đầu từ việc ổn định quần thể cá heo Irrawaddy kể từ năm 2010, số lượng cá heo con mới sinh đã tăng đáng kể. Đồng thời, tỷ lệ tử vong liên tục giảm: từ 9 ca tử vong vào năm 2015 xuống còn 6 ca vào năm 2016 và chỉ còn 2 ca vào năm 2017 (tính đến giữa tháng 11), với 9 cá heo con được sinh ra trong cùng năm.

Đóng góp vào những kết quả này là sự chúng ta của đội ngũ nhân viên có tay nghề cao. Thông qua đào tạo, kiến thức và năng lực của họ cho phép đội ngũ thực hiện công tác bảo tồn hiệu quả. Điều này, cùng với mối quan hệ chặt chẽ với phương tiện truyền thông địa phương, các quan chức chính phủ và dân làng, đã góp phần vào thành công chung.

Nỗ lực này cho thấy, việc bảo vệ đa dạng sinh học trên Trái đất có tầm quan trọng như thế nào đối với thế giới động-thực vật và với chính con người chúng ta.

Cập nhật: 29/11/2024 ĐSPL
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video