Bệnh bạch hầu từng là "nỗi ám ảnh" của nhân loại khi cướp đi sinh mạng trăm ngàn đứa trẻ

Bệnh bạch hầu từng trở thành cơn ác mộng với hầu hết bác sĩ, bất lực khi phải nhìn những đứa trẻ qua đời.

Ngay cả Noah Webster – người được gọi là "ông tổ của học hành và giáo dục Mỹ" hay bậc thầy của ngôn từ, cũng không biết dùng từ gì để diễn tả về sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu. Ngòi bút của ông bắt đầu viết về căn bệnh này trong một cuốn Lược sử về bệnh khá nổi tiếng, ai đọc cũng thấy hãi hùng...

"Hung thần" cướp đi sinh mạng trăm ngàn đứa trẻ

Vào tháng 5/1735, trong một ngày lạnh ẩm ướt, tại một thị trấn ở New Hampshire, nước Mỹ bỗng bùng phát một căn bệnh ở trẻ nhỏ. Lúc ấy người ta gọi là "bệnh Care ở cổ họng" – một loại bệnh ác tính và có tỷ lệ gây tử vong cực cao. Nó làm suy nhược toàn thân, cổ họng sưng tấy và khiến bệnh nhân đau đớn.

Căn bệnh này dần lan rộng sang phía Nam, cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em trên khắp đất nước. Nỗi đau của nhiều gia đình thời ấy là vô cùng khôn xiết, có vô vàn bậc cha mẹ mất đi tận 3-4 đứa con, thậm chí là tất cả.


Nhiều gia đình từ giàu cho đến nghèo đều chịu chung nỗi đau mất con do bệnh bạch hầu. (Ảnh Smithsonianmag).

Năm 1821, một bác sĩ người Pháp là ông Pierre Bretonneau, đã đặt tên cho căn bệnh này là diphtérite. Ông dựa theo tiếng Hy Lạp là diphthera, có nghĩa là một mảng da xuất hiện trong cổ họng của bệnh nhân, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn. Đường thở của trẻ em tương đối nhỏ, nên nếu mắc căn bệnh này, chúng sẽ không thở được và dần ra đi trong đau đớn.

Trong suốt thế kỷ 18 và 19, bệnh bạch hầu trở thành cơn ác mộng với hầu hết bác sĩ, bất lực khi phải nhìn những đứa trẻ qua đời. Nó mang đến nỗi kinh hoàng bất kể giàu nghèo. Con gái của Nữ hoàng Victoria là Công chúa Alice, đã chết vì bệnh bạch hầu vào năm 1878 ở tuổi 35. Năm người con của Alice cũng bị bệnh, cùng với chồng bà là Đại công tước xứ Hesse-Darmstadt.

Ngày nay, chúng ta đã có một số hiểu biết về cách thức lây lan của căn bệnh này là qua giọt bắn, hoặc thông qua ho, hắt hơi... Nhưng ngày xưa thì chẳng ai biết nguyên nhân thực sự, khiến bệnh bạch hầu như một đại dịch suốt nhiều thế kỷ.

Bệnh bạch hầu còn gây ám ảnh đến mức có một thông tin vào thời đấy, rằng nhiều trẻ em sẽ chẳng thể nào sống qua nổi 10 tuổi. Vậy nên nhiều gia đình đã thực sự nuôi con trong lo lắng và cầu mong con mình luôn mạnh khỏe.


Một hình minh họa từ cuốn sách The Practical Guide to Health xuất bản năm 1913 nhằm mục đích cho cha mẹ thấy mảng xám ở cổ họng có thể là dấu hiệu của bệnh bạch hầu. (Ảnh Smithsonianmag).

Bệnh bạch hầu, nỗi đau của bác sĩ lẫn bệnh nhân

Rất nhiều cuốn sách hay tự sự của các bác sĩ, chuyên gia trên thế giới đều có nhắc tới bệnh bạch hầu. Émile Roux – người từng là trợ lý của Louis Pasteur, đã tâm sự rằng: "Các khoa nhi ở mọi bệnh viện đều xuất hiện tiếng khóc đau đớn của con trẻ. Chúng ho khò khè, không thở được… nhìn vào đều đoán được chúng rất khó qua khỏi".

Vào tháng 1/1860, tại một cuộc họp của Viện Y khoa New York (Mỹ), người được coi là cha đẻ của nhi khoa Mỹ - Abraham Jacobi, báo cáo rằng đã thấy 122 trẻ em mắc bệnh bạch hầu tại Phòng khám Canal Street. Giai đoạn đó chỉ ông là có tầm nhìn sâu rộng, trong khi những bác sĩ khác đều không hề hay biết.

Kể từ đó, ông đã bắt đầu nghiên cứu và tìm cách cứu lấy những đứa trẻ mắc bệnh bạch hầu. Đáng tiếc thay, hầu như hơn 200 lần ông cố gắng mở khí quản bằng cách phẫu thuật cổ họng, nhằm giúp cho bệnh nhân dễ thở hơn, đều thất bại.

Sau này ông Jacobi kết hôn và lấy vợ, sinh được 1 trai 1 gái. Tuy nhiên cả hai đứa con của họ đều mắc bệnh bạch hầu. Ai nhìn qua cũng nghĩ rằng do hai vợ chồng mang mầm bệnh từ bên ngoài về cho con. Người con gái thì may mắn vượt qua được bạo bệnh, nhưng người con trai thì mãi ra đi ở độ tuổi lên 7…


Người con trai của gia đình Jacobi, Ernst Jacobi, đã qua đời khi lên 7 tuổi do bệnh bạch hầu. (Ảnh Alamy/Smithsonianmag).

Du Bois, nhà sử học người Mỹ gốc Phi đầu tiên lấy bằng Tiến sĩ tại Harvard, đã rời Philadelphia vào năm 1897 để làm công việc học thuật ở Atlanta. Năm 1899, cậu con trai 2 tuổi của ông là Burghardt, mắc các triệu chứng bệnh bạch hầu.

Trong cuốn sách The Souls of Black Folk của Du Bois, ông đã viết về cái chết của đứa con mình. "Và rồi một đêm, đôi chân nhỏ bé mệt mỏi bước đi trên chiếc giường trắng nhỏ xíu, đôi bàn tay nhỏ bé run rẩy, khuôn mặt ửng hồng ấm áp úp xuống gối, và chúng tôi biết đứa bé bị ốm", ông viết. "Nó nằm đó mười ngày, một tuần trôi qua nhanh chóng và ba ngày vô tận, héo mòn, héo mòn dần".


Con của nhà sử học Du Bois cũng mất sớm do bệnh bạch hầu. (Ảnh Smithsonianmag).

Đoàn kết - yếu tố làm nên sức mạnh sinh tồn

Mãi đến cuối thế kỷ 19, trước tình hình dịch bệnh hoành hành, các nhà khoa học từ khắp mọi nơi trên thế giới đã hợp tác, bắt tay nhau nghiên cứu để xác định nguồn cơn của căn bệnh này. Sau cùng, họ đã xác định được loại vi khuẩn gây bệnh, sau đó đặt tên và mô tả chi tiết hơn.

Vào năm 1883, có một nhà nghiên cứu người Phổ tên là Edwin Klebs đã tìm thấy một loại vi khuẩn ẩn nấp trong mô da, được gọi là màng giả, có thể chặn đường thở của bệnh nhân – nguyên nhân hàng đầu gây nên hàng triệu cái chết của bệnh bạch hầu.


Hình ảnh vi khuẩn bạch hầu dưới kính hiển vi.

Sau đó, vào năm 1888, Roux và Alexandre Yersin, các bác sĩ y khoa tại Viện Pasteur ở Paris, đã có một bước tiến lớn khác khi họ chỉ ra rằng một chất do vi khuẩn tiết ra chính là thủ phạm cụ thể.

Một bước tiến quan trọng khác trong công cuộc "khuất phục" bệnh bạch hầu phải kể đến bộ đôi nhà vi khuẩn học Behring và Shibasaburo Kitasato. Sau nhiều lần nghiên cứu và phân tích, họ đã chế tạo được huyết thanh chống lại căn bệnh này ở người. Cuối cùng họ giành được Giải Nobel Y học vào năm 1901 nhờ phát kiến này.

Nhờ đó mà Roux và 2 đồng nghiệp khác đã nghiên cứu và sản xuất ra lượng lớn huyết thanh tương tự, thay vì phải mất nhiều thời gian như trước. Thực nghiệm trên 448 trẻ em mắc bệnh bạch hầu thì chỉ có 109 trẻ tử vong, tỷ lệ sống sót tăng lên rất nhiều.


Emil von Behring (phải) đã chế ra số lượng lớn huyết thanh, cứu sống hàng nghìn đứa trẻ sau đó. (Ảnh Smithsonianmag).

Roux đã trình bày những kết quả này tại Đại hội Quốc tế về Vệ sinh và Nhân khẩu học ở Budapest năm 1894. Một bác sĩ người Mỹ sau đó đã viết rằng, ông chưa bao giờ thấy "một tràng pháo tay vang dội như vậy từ khán giả là những nhà khoa học... Mũ được ném lên trần nhà, toàn bộ đều đứng dậy và hét lớn tiếng hoan hô bằng mọi ngôn ngữ của thế giới".

Kể từ sau đó, số ca tử vong do bệnh bạch hầu giảm mạnh ở những nơi có sẵn huyết thanh, hoặc những nơi có cơ sở hạ tầng y tế hiện đại. Với nguồn quỹ từ Hội Chữ thập đỏ Mỹ, theo sau là sự hỗ trợ rộng rãi từ Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Metropolitan, việc tiêm chủng bạch hầu đã phổ cập tới toàn bộ người dân.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo trẻ em nên tiêm vaccine DTaP khi được 2, 4, 6 và 15 tháng tuổi, sau đó là giai đoạn từ 4 đến 6 tuổi. WHO đưa ra các khuyến nghị tương tự như của CDC, cũng như các quan chức ở hầu hết các quốc gia đều kêu gọi các bậc cha mẹ đưa con mình đi tiêm vaccine.


Tiêm vaccine cho trẻ là cách tốt nhất để đẩy lùi bệnh bạch hầu thời bấy giờ.

Ban đầu, vaccine không được nhiều người tin tưởng vì chúng gây tác dụng phụ rất nhiều, chẳng hạn như sốt cao và đau nhức cánh tay. Lúc ấy, thách thức của các bác sĩ là thuyết phục bố mẹ cho trẻ đi tiêm vaccine. Chỉ cần thuyết phục được họ thì cũng giống như đóng góp một phần nhỏ đẩy lùi bệnh bạch hầu.

Trong một bài báo trên tạp chí Canada năm 1927, một bác sĩ đã nhớ lại những năm trước lúc huyết thanh phổ biến, ông đã phải chứng kiến một cô bé xinh đẹp khoảng năm hoặc sáu tuổi chết ngạt. Sau đó chính con gái của bác sĩ đã mắc bệnh bạch hầu, nhưng một thập kỷ đã trôi qua và giờ đây vaccine đã có trên toàn cầu.

"Việc chứng kiến lớp màng nhầy khủng khiếp tan chảy và biến mất trong vài giờ, bệnh nhân thì phục hồi hoàn toàn sức khỏe trong vòng vài ngày là một trong những trải nghiệm ấn tượng và ly kỳ nhất trong sự nghiệp chuyên môn của tôi" – vị bác sĩ trải lòng.


Hình ảnh một đơn vị vận chuyển 300.000 ống vaccine ngừa bệnh bạch hầu đến Alaska.

Có thể thấy rằng, bệnh bạch hầu trong quá khứ đã là một "cơn ác mộng" với toàn thế giới. Nhưng cuối cùng, con người cũng đẩy lùi được căn bệnh ấy và tiếp tục đi xa hơn nữa trong y học. Tuy giờ đây căn bệnh ấy đang xuất hiện trở lại, nhưng hãy vững tin và nghe theo chỉ dẫn của các chuyên gia để phòng bệnh hiệu quả. Hãy lạc quan, bởi ít ra hiện tại chúng ta đã có vaccine bạch hầu!

Cập nhật: 15/07/2024 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video