navigation

Bệnh giộp môi ảnh hưởng khả năng tư duy

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người bị bệnh giộp môi thì dễ suy giảm khả năng tư duy và ghi nhớ, theo Daily Mail ngày 25/3.


Virus herpes simplex (HSV) gây bệnh giộp môi - (Ảnh: Shutterstock)

Các nhà khoa học kiểm tra khả năng tư duy và ghi nhớ của 1.625 người ở thành phố New York (Mỹ), độ tuổi trung bình là 69.

Đối tượng được xét nghiệm máu để tìm 5 loại virus nhiễm trùng phổ biến nhất là virus gây bệnh mụn giộp ở miệng và sinh dục, virus cytomegalo (gây nhiều bệnh từ bất thường bẩm sinh đến các rối loạn bệnh lý) và vi khuẩn chlamydia dạng gây bệnh ở cơ quan hô hấp và vi khuẩn dạ dày HP (helicobacter pylori).

Họ nhận thấy những đối tượng bị nhiễm phải những vi rút trên ở mức độ nặng thì có 25% khả năng đạt điểm kém trong bài kiểm tra chức năng tâm thần.

Kết quả trên đặc biệt rõ ràng ở những phụ nữ có trình độ giáo dục thấp và không tập luyện thể thao.

Nghiên cứu có thể dẫn đến cách xác định những đối tượng nào có nguy cơ suy giảm trí nhớ, theo tiến sĩ Mira Katan thuộc Trung tâm Y tế, Trường đại học Columbia ở thành phố New York, người đứng đầu cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology.

Bệnh giộp môi là gì?

Bệnh giộp môi (còn gọi là bệnh rộp môi, bệnh herpes ở miệng, herpes simplex-1 hoặc HSV-1) là một bệnh nhiễm trùng ở miệng, môi hoặc nướu do siêu vi Herpes gây ra. Người bệnh sẽ xuất hiện những nốt giộp xung quanh miệng và nướu. Loại virus này cùng họ với virus gây ra bệnh thủy đậu, bệnh zona, lở miệng và bệnh bạch cầu đơn nhân. Hầu hết các ca nhiễm trung lây lan do tiếp xúc từ khi còn nhỏ, do đó 80% người lớn đã bị nhiễm siêu vi herpes tuýp 1. Một dạng khác là Herpes tuýp 2 lây lan do quan hệ tình dục.

Cập nhật: 28/03/2019 Theo Thanh Niên