Bệnh huyết thanh có thể gây chết người

Bệnh huyết thanh là một phản ứng mẫn cảm xảy ra khi tiêm truyền những chất lạ, chất đạm hoặc huyết thanh. Biểu hiện là các triệu chứng dị ứng như nổi ban, ngứa, khó thở, thậm chí sốc phản vệ và tử vong.

Cần thận trọng khi dùng huyết thanh (Ảnh: SK&ĐS)
Các huyết thanh chống độc có nguồn gốc động vật (chủ yếu là từ ngựa như huyết thanh chống uốn ván và bệnh dại) có thể gây ra bệnh huyết thanh cho 5-16% số bệnh nhân.

Ngày nay, nhờ cố gắng lọc bỏ tối đa các chất gây mẫn cảm từ huyết thanh ngựa và thay thế nó bằng huyết thanh người, các chứng bệnh huyết thanh đã giảm đi. Tuy nhiên, việc tăng cường các sản phẩm công nghệ sinh học mới như các kháng thể đơn dòng để phòng chữa bệnh dễ dẫn đến gia tăng trở lại bệnh huyết thanh và các phản ứng tương tự.

Các biểu hiện của bệnh có thể xảy ra trong vòng 6-21 ngày sau khi các chất lạ (thuốc men hoặc huyết thanh, proteins) được đưa vào cơ thể. Bệnh có thể bắt đầu nhanh hơn, trong 1-4 ngày, nếu người bệnh đã sử dụng cùng một loại thuốc trước đó. Thường bệnh nhân trên 15 tuổi bị các triệu chứng nặng hơn vì lượng thuốc hoặc huyết thanh chống độc được đưa vào cơ thể nhiều hơn.

Các triệu chứng đặc thù là sốt, đau các khớp, nổi hạch và lở loét ngoài da; đau, ngứa và tấy đỏ ở chỗ tiêm thuốc; đau cơ bắp, đau ngực và khó thở. Các biểu hiện ở da thường rõ ràng nhất và xảy ra ở trên 95% trường hợp; điển hình là: phát ban, nổi mề đay, ngứa, sưng, mưng mủ, tấy đỏ, lở loét ở khắp mọi nơi trên cơ thể kể cả lòng và mu bàn tay, bàn chân, bàn tay, ngón chân.

Nếu bệnh nhân không tiếp tục dùng thuốc hoặc huyết thanh gây bệnh, các triệu chứng có thể thuyên giảm sau 1-2 tuần. Nếu bệnh không được phát hiện và bệnh nhân vẫn dùng tiếp các dị nguyên thì có thể dẫn tới những hậu quả trầm trọng cho sức khỏe như viêm mạch máu, thoái hóa thần kinh, viêm cầu thận, thậm chí sốc phản vệ và tử vong.

Ngoài các huyết thanh điển hình, các chuyên gia lưu ý rằng, thuốc hóa dược thông thường cũng có thể gây ra những phản ứng tương tự như bệnh huyết thanh. Ở Mỹ hằng năm có hàng trăm trường hợp bị phản ứng dạng bệnh huyết thanh ở bệnh nhân dùng các thuốc kháng sinh như: amoxicillin, cefaclor, cephalexin, bactrim, cotrim, septra, sulfatrim…

Các sản phẩm phòng chữa bệnh có nguồn gốc sinh học sau đây trên lý thuyết và thực tế đều có thể gây bệnh: Huyết thanh chống botulism, bạch hầu, hoại thư khí, chống đào thải các cơ quan ghép, chống rắn độc và nhện độc; dung dịch dị nguyên để thử dị ứng và giải mẫn cảm; sản phẩm từ máu, hoóc môn, nọc độc, vi khuẩn và các văcxin phòng bệnh.

Để điều trị bệnh huyết thanh, bệnh nhân có thể được dùng các thuốc kháng histamin, giảm sốt, giảm đau...

Tránh dùng các thuốc, huyết thanh là cách tốt nhất đề phòng bệnh. Nhưng trên thực tế, vấn đề này không thực hiện được, vì người ta không thể biết được bệnh nhân nào sẽ có thể phản ứng với thuốc nào, huyết thanh hoặc văcxin nào.

Việc thử phản ứng ngoài da cho các bệnh nhân có biểu hiện mẫn cảm trước khi dùng huyết thanh hầu như không đáng tin cậy để phát hiện những người có khả năng bị bệnh huyết thanh.

Trên thực tế, khi cần dùng các huyết thanh, nên tạo đường truyền dịch cho cả hai bên tay: Một bên để truyền huyết thanh và một bên để chữa trị kịp thời các phản ứng có thể xảy ra.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống, VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video