Bệnh lạ gây chết người lần đầu ghi nhận tại Việt Nam

Căn bệnh lạ này đã cướp đi mạng sống người em trong gia đình bệnh nhân 26 tuổi và bây giờ người anh trai cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Chiều 3/8, bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa cứu sống thành công một nữ bệnh nhân bị rối loạn nhịp thất ở tim. Đây là căn bệnh lạ lần đầu tiên BV tiếp nhận, điều trị. Bệnh nhân là Ka A Hữu (26 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng).

Bệnh nhân cho biết, trước ngày nhập viện, chị đột ngột thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, đứng không vững, cảm giác tim đập mạnh, đánh trống ngực, hồi hộp, vã mồ hôi, thở dốc nên được người nhà đưa đến BV đa khoa tỉnh Lâm Đồng điều trị.

Sau khi thăm khám, đo ECG, các BS chẩn đoán bệnh nhân bị loạn nhịp nhanh thất khá phức tạp. Các BS đã sốc điện và nhanh chóng chuyển tiếp bệnh nhân lên BV tuyến trên.


Bác sĩ lý giải căn bệnh lạ của bệnh nhân.

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân, các BS BV Chợ Rẫy nhận thấy trước đây chị Hữu chưa từng có những triệu chứng như trên. Chị cũng không có tiền sử bệnh lý tim mạch, nội ngoại khoa khác. Tuy nhiên theo gia đình bệnh nhân cho biết, 17 năm trước, em gái út (7 tuổi) của chị Hữu đã bất ngờ tử vong trong lúc đi làm đồng mà không rõ nguyên nhân.

Trong lần đi tầm soát bệnh trước đó, hai người anh em khác của bệnh nhân cũng được phát hiện bị rối loạn nhịp nhanh thất. Từ những điều này cùng với triệu chứng lâm sàng, các BS xác định bệnh nhân mắc căn bệnh cơ tim thất phải gây rối loạn nhịp và suy tim phải.


Bệnh nhân là Ka A Hữu tái khám.

Để giải quyết tình trạng cấp bách trên, bệnh nhân phải sử dụng một máy phá rung để ngăn tình trạng đột tử vì nhịp tim lên xuống thất thường, kết hợp sử dụng thuốc. Sau hơn hai tuần điều trị, nhịp tim của chị Hữu dần ổn định, chị tiếp xúc tốt, nguy cơ đột tử được ngăn chặn.

Theo BS Đặng Quý Đức, Phó Khoa điều trị rối loạn nhịp, BV Chợ Rẫy, bệnh cơ tim thất phải gây bất thường về cấu trúc thất ở cơ tim, khiến tế bào cơ tim bị thay thế bằng tế bào sợi và tế bào mỡ. “Triệu chứng của bệnh là hồi hộp, choáng váng, ngất, thậm chí đột tử vì rối loạn nhịp thất, suy tim mà không rõ nguyên nhân. Một dấu hiệu khác là trong gia đình có người chết trẻ mà không biết tại sao. Để biết có mắc bệnh hay không, người dân chỉ cần thường xuyên đi tầm soát định kỳ, đo ECG, Holter ECG, siêu âm tim, chụp MRI. Những trường hợp cần thiết phải tiến hành giải phẫu bệnh”, BS Đức cho biết.

Theo BS CKII Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Chợ Rẫy, ở Việt Nam chưa có tài liệu y khoa nào ghi nhận ca mắc bệnh này. “Việc chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dựa vào 6 yếu tố, bao gồm bệnh nhân bị rối loạn chức năng vùng/toàn thể và biến đổi cấu trúc, bất thường khử cực tim, rối loạn dẫn truyền, rối loạn nhịp và tiền sử gia đình”, BS Thức nói.


Bệnh nhân may mắn vào viện kịp thời nên đã được cứu sống thành công.

Bệnh cơ tim thất phải (ARVC/D) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1911. Mãi đến năm 2.000, Hiệp hội tim mạch châu Âu (ESO) và Hiệp hội khoa học Bệnh cơ tim của Tổ chức Y tế thế giới bắt đầu quan tâm chứng bệnh này. Ở Mỹ, bệnh này chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số người mắc bệnh lý về tim. Tại miền Bắc nước Ý, cứ 10 người đột tử thì 1 người liên quan đến bệnh lý trên. Đặc biệt, nếu trong gia đình đã có người có tiền sử phát bệnh thì nguy cơ các thành viên khác cũng phát bệnh và tử vong lên đến 35%.
Cập nhật: 05/08/2017 Theo PLO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video