Bệnh nhi ung thư máu: Thêm cơ hội sống

Trong tháng tám, Bệnh viện Nhi trung ương sẽ thực hiện ca ghép tủy đầu tiên. Nếu được ghép tủy xương và tế bào gốc, bệnh nhi ung thư máu thể nặng sẽ có nhiều hơn cơ hội cải thiện cuộc sống, ổn định tình trạng bệnh.

Bệnh đang tăng

Khoa ung bướu Bệnh viện Nhi trung ương được chỉ định 25 giường nhưng trong mấy tháng trở lại đây, số bệnh nhân phải điều trị nội trú luôn là 50-60, chiếm hơn 2/3 số đó là bệnh nhi ung thư máu - (Ảnh: N. Hà)

Bệnh viện Nhi trung ương đã chọn một bệnh nhi 7 tuổi bị suy tủy nặng cho ca ghép tủy xương đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng tám. Người cho tủy là chị gái của bệnh nhi, 13 tuổi. Đến lúc đó, Bệnh viện Nhi trung ương vẫn là cơ sở duy nhất của cả nước triển khai kỹ thuật này trong điều trị bệnh nhi.

Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan, phó trưởng khoa ung bướu, khẳng định ghép tủy và tế bào gốc sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị mắc ung thư, mắc các bệnh chuyển hóa, suy tủy, các bệnh di truyền học... Riêng với bệnh nhi ung thư máu (bạch cầu cấp), ứng dụng này có ý nghĩa rất quan trọng vì tỉ lệ trẻ mắc bệnh có chiều hướng gia tăng trong mấy năm trở lại đây.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, khoảng 10-20 năm trước đây, trung bình mỗi năm bệnh viện chỉ điều trị nội trú chừng 60 bệnh nhân ung thư máu. Tuy nhiên, tính riêng năm 2005 đã có khoảng 300 trẻ mắc bệnh và đó cũng mới chỉ là con số thống kê nhập viện. Thống kê của bệnh viện cho kết quả 42% trường hợp điều trị tại khoa ung bướu là bệnh nhi ung thư máu. Thậm chí hiện tại khoa ung bướu đang phải tiếp nhận điều trị hơn 50 trẻ (với 25 giường bệnh), chiếm hơn 2/3 số đó là bệnh nhi ung thư máu.

Lựa chọn sau cùng

Phác đồ điều trị bệnh nhân ung thư máu hiện nay ở phần lớn các cơ sở có chuyên ngành ung bướu trẻ em là dùng hóa trị liệu, trường hợp có di căn màng não, di căn tinh hoàn thì bổ sung điều trị tia xạ. Kết quả điều trị theo phương pháp này tại Bệnh viện Nhi trung ương là 60% được chữa khỏi, chủ yếu ở bệnh nhi ung thư máu thể nhẹ.

Khi trẻ có biểu hiện da xanh xao kèm theo xuất huyết dưới da, gan và lá lách to, nổi hạch có thể xem như những dấu hiệu đầu tiên nhận biết bệnh. Thực tế cho thấy số bệnh nhi nam mắc bệnh nhiều gấp 1,5 lần so với nữ... Do độ phức tạp và chi phí cao của kỹ thuật ghép tủy (ở nước ngoài chi phí thông thường là 25.000 USD/ ca), nên đây sẽ là lựa chọn điều trị sau cùng.

Bác sĩ Lan nói bệnh viện sẽ chỉ định ghép tủy cho những bệnh nhân ung thư nặng không thể dùng hóa chất, hoặc đã dùng hóa trị liệu nhưng không đạt được ổn định bệnh cần thiết, tái phát hoặc có nguy cơ tái phát bệnh nhanh. Các bác sĩ sẽ dùng hóa chất cực mạnh để tiêu diệt hết các tế bào ung thư trong cơ thể, rồi lấy nguồn tủy hiến để ghép cho bệnh nhi. Các tế bào được ghép sẽ di chuyển vào bên trong tủy xương, sau đó sẽ sản xuất các tế bào máu mới giúp bệnh nhân mau lành bệnh.

Khó khăn nguồn tủy hiến

Vấn đề khó khăn nhất trong ghép tủy cho bệnh nhi đó là nguồn tủy hiến. Trong khi với người có trọng lượng trên 20kg có thể ghép tự thân thì bệnh nhi ung thư máu dưới chuẩn trọng lượng cho phép bắt buộc phải tìm được nguồn hiến tủy thích hợp và có một cấu trúc di truyền giống với bệnh nhân để không xảy ra hiện tượng chối bỏ sau ghép. Tỉ lệ tủy tương thích giữa những người ruột thịt trong gia đình chỉ khoảng 25%, tỉ lệ đó trong cộng đồng còn thấp hơn nhiều lần.

Ở người lớn, tế bào gốc có lượng máu nhiều nên có thể chủ động về máu. Nhưng với trẻ em, tế bào gốc của bản thân chỉ chứa một lượng máu nhỏ nên cần thiết phải có dụng cụ lấy máu chuyên dụng. Sau khi ghép tủy, bệnh nhân cần được uống thuốc chống nhiễm trùng, trong khi nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ em cao hơn rất nhiều so với người lớn.

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video