Nghệ sĩ Hán Văn Tình được chẩn đoán ung thư phổi cách đây một năm rưỡi. Hiện khối u đã di căn lên nách khiến ông hôn mê phải vào viện cấp cứu với tiên lượng xấu.
Theo bác sĩ Lim Hong Liang, chuyên gia về ung thư phổi và vùng đầu mặt cổ thuộc Trung tâm ung thư Parkway Singapore (PCC), ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ giới. Bệnh xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ 45 đến 70.
Ung thư phổi có 2 loại chính. Thứ nhất là ung thư phổi tế bào không nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 85 đến 87% tổng số ca. Với đặc điểm phát triển chậm hơn so loại còn lại nên có đến 40% trường hợp được chẩn đoán phát hiện bệnh thì ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Thứ hai là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 13% đến 15% tổng số ca. Ung thư này hoạt động rất mạnh và lan truyền nhanh, hầu hết các trường hợp được chẩn đoán đều đã ở giải đoạn nặng, khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình đang được điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: N.N).
Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi. Triệu chứng thường gặp là ho dai dẳng. Chụp X-quang ngực có thể phát hiện, nhưng cần phải làm thêm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để kiểm chứng. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị đều có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi.
Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân chính khiến ung thư phổi ngày càng gia tăng là do ô nhiễm môi trường song thực tế không hẳn vậy. Theo bác sĩ Lim, môi trường có liên quan đến bệnh này nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp. Ví dụ, những người sống trong môi trường ô nhiễm có tỷ lệ mắc ung thư phổi chỉ cao hơn 5% lần so với người còn lại. Cụ thể các kết quả nghiên cứu cho thấy, người sống trong môi trường ô nhiễm như cạnh nhà máy, nơi có nhiều ô tô thải ra khí độc chỉ gấp 1,5 lần so với người không bị. Trong khi người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 50 lần bình thường.
Hầu hết chuyên gia ung thư khẳng định thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Ở Mỹ, ung thư phổi đứng hàng đầu vì số lượng người hút thuốc lá chiểm tỷ lệ cao. Những nước có số người hút thuốc ít hơn đồng nghĩa người mắc ung thư phổi cũng giảm. "Trên thế giới có 80% bệnh nhân ung thư phổi là những người hút thuốc. Điều này có thể hiểu là 80% người hút thuốc bị ung thư phổi", bác sĩ Lim nhấn mạnh.
Điều trị ung thư phổi tại các bệnh viện hiện nay áp dụng theo phác đồ tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Cụ thể, bệnh nhân giai đoạn một và hai phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Giai đoạn 3 cần xạ trị. Giai đoạn 4 sẽ dùng thuốc để kiểm soát. Tuy nhiên một số người bệnh ở giai đoạn một hoặc hai đã điều trị bằng phẫu thuật mà vẫn bị tái phát, bác sĩ thường chỉ định bổ sung thêm hóa chất để giảm nguy cơ.
Đối với bệnh nhân giai đoạn 3 có khối u ở phổi và xuất hiện hạch, phương pháp điều trị chính là xạ trị nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 5 đến 8%. Vì thế, các bác sĩ thường chỉ định truyền thêm hóa chất để tăng thêm hiệu quả lên khoảng 20%. Bệnh nhân giai đoạn 4, khi ung thư di căn, việc điều trị chỉ dừng lại ở mục tiêu kiểm soát bệnh nhằm kéo dài thời gian sống càng lâu càng tốt. Hiện có nhiều loại thuốc điều trị trúng đích thế hệ mới đã được kiểm chứng giúp gia tăng thời lượng sống cho người bệnh.
Theo ghi nhận của bác sĩ Lim, khoảng 10 năm trước, người ta coi bệnh ung thư phổi là loại bệnh nên dùng chung một loại thuốc, cùng một cách điều trị. Vì thế dẫn đến hệ lụy có người đáp ứng thuốc, người không. Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia chia ung thư theo các lớp nhỏ dần. Đầu tiên là ung thư phổi tế bào nhỏ và tế bào không nhỏ. Tế bào nhỏ lại chia nhỏ hơn nữa gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy và tế bào lớn không đặc hiệu. Sau đó lại tiếp tục chia nhỏ ung thư biểu mô để làm xét nghiệm đột biến gene. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với loại nào sẽ có thuốc đặc hiệu cho loại gene đó. Tất cả thuốc đều là dạng uống. Vì vậy việc xét nghiệm đột biến gene để dùng thuốc điều trị đích đang được xem là giải pháp tối ưu nhằm kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi.