Bí ẩn hệ thống hầm vàng hàng trăm tỉ đô của viên tướng Nhật Bản

Tướng Yamashita được giao nhiệm vụ tổ chức kế hoạch đào hầm ngầm và tìm các hang động để giấu toàn bộ số vàng bạc châu báu cướp bóc được từ các nước châu Á, tập kết ở Philippines.

Kho vàng của người Aztec hay Inca thì đã quá nổi tiếng rồi, nhưng còn kho vàng được cho là trị giá hàng tỉ USD của viên tướng Yamashita thì có thể nhiều người còn chưa nghe đến.


Tướng phát xít Nhật Yamashita (trái) bị áp giải khỏi tòa sau khi lĩnh án treo cổ vào ngày 31/12/1945.

Có một thực tế rõ ràng là quân đội Nhật Bản đã từng cướp bóc rất nhiều tại các quốc gia thuộc địa ở châu Á trong những năm trước và trong Thế chiến thứ hai. Có thông tin cho rằng họ thành lập cả một đội đặc nhiệm chuyên cướp bóc.

Việc chở những hàng hóa cướp bóc vượt biển trở về Nhật Bản đòi hỏi những nỗ lực lớn, đặc biệt là trong những năm chiến tranh với quân Đồng minh. Philippines được chọn làm nơi tập kết các kho báu cướp được trước khi được chất lên tàu trong hành trình vượt biển về Nhật Bản.

Tuy nhiên, các lực lượng Mỹ đã trở thành mối đe dọa lớn khi họ bắt đầu đánh chìm một loạt tàu Nhật ngoài biển khơi. Hoàng gia Nhật đã quyết định buộc phải giấu kho báu còn lại tại Philippines, và đó là nơi viên tướng Yamashita được cử đến.


Tướng Yamashita ra hàng quân đội Mỹ tại Philippines.

Yamashita được giao nhiệm vụ tổ chức và thực hiện các kế hoạch đào hầm ngầm và tìm các hang động để giấu toàn bộ số vàng bạc châu báu. Lính Nhật và các tù binh chiến tranh cũng như nhân công bản địa được huy động đào hầm và chuyển kho báu xuống các hang động. Trong hệ thống cất giấu kho báu này có một đường hầm lớn tại thung lũng Cagayan, Philippines. Được dán nhãn đường hầm số 8, đây là một trong 175 đường hầm được đào trên khắp các hòn đảo Philippine bị quân đội Nhật chiếm đóng. Những đường hầm đó được cho là chứa những kho báu lên tới hàng trăm tỉ USD gồm vàng, châu ngọc và những pho tượng vô giá.

Đích thân Hoàng tử Takeda của Hoàng gia Nhật đã giúp cố vấn và xây dựng các đường hầm để cất giấu kho báu. Họ gọi chiến dịch này là “Hoa Lily Vàng”, theo một bài thơ của Nhật hoàng Hirohito.

Có một câu chuyện đồn đại rằng, vào một đêm đầu tháng 6/1945, khi cuộc chiến giữa Nhật với Mỹ đã đi vào giai đoạn cuối, Hoàng tử Takeda dẫn toàn bộ 175 người của ông xuống boongke trong đường hầm số 8 để ăn mừng thắng lợi mới nhất. Sau vài tiếng uống rượu và hát hò, Takeda và Yamashita lặng lẽ rời đi.


Hoàng tử Nhật Bản Takeda.

Cửa hầm sau đó được gài thuốc nổ đánh sập và bít kín. Những người bên trong, gồm cả tùy tùng và lao động nô lệ, bị bỏ lại đến chết. Takeda quay trở lại Nhật trên một chiếc tàu ngầm, còn Yamashita dẫn đội quân của mình lên phía bắc Philippines chiến đấu với quân Mỹ trước khi đầu hàng vào ngày 2/9/1945.

Có nhiều giả thuyết về những điều đã xảy ra với số vàng của Yamashita qua nhiều năm tháng.

Một giả thuyết cho rằng, cựu độc tài Philippines Ferdinand Marcos đã tìm ra kho báu và giữ nó làm của riêng. Ông ta đã tiến hành kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động tìm kiếm và khai quật kho báu trong những chuyến đi của mình. Một trong những chuyến đi như vậy được dẫn đầu bởi Rogelio Roxas.

Năm 1971 chính Roxas tuyên bố đã phát hiện kho vàng lớn trong một hang động. Ông đã đệ đơn kiện Marcos và vợ ra tòa án với cáo buộc rằng, chỉ có Marcos biết phát hiện của ông. Roxas cho rằng mình đã bị bắt giữ, đánh đập, còn số vàng thì bị người của Marcos tịch thu. Tòa án tại bang Hawaii, nơi Roxas đệ đơn kiện, cuối cùng đã ra phán quyết ủng hộ Roxas, tuyên bố rằng có đủ bằng chứng cho thấy ông đã thực sự phát hiện số vàng bị tước đoạt và tuyên Marcos phải đền bù 6 triệu USD.


Rogelio Roxas chụp hình với một tượng Phật bằng vàng mà ông cho là tìm được trong hang động.

Các nhà nghiên cứu và sử gia khác thì cho rằng Mỹ đã được tiết lộ vị trí của hầu hết các kho báu để đổi lại việc không truy tố các thành viên Hoàng gia Nhật vì tội ác chiến tranh.

Ngoài ra còn xuất hiện câu chuyện mơ hồ về việc một đại úy trẻ của Cục Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) là Edward Lansdale và một chuyên gia về tra tấn người Mỹ gốc Philippines đã khai thác người lái xe của tướng Yamashita và lần đến được 12 kho báu ở phía bắc Manilla. Những gì họ tìm thấy bên trong thực sự gây choáng váng. Từng hàng từng hàng những thanh vàng xếp cao hơn đầu người; hàng tấn bạch kim và những bình sứ chứa đầu châu báu, kim cương... Trong 2 năm sau đó, người Mỹ được cho là đã đưa các kho báu ra khỏi những hầm ngầm ở Philippines và bí mật gửi tại trên 170 ngân hàng trên khắp thế giới.


Căn phòng chất đầy vàng được cho là được quân đội Mỹ tìm ra tại Philippines dù chưa được kiểm chứng.

Tuy nhiên, ngay cả khi xuất hiện những bằng chứng của Roxas, câu chuyện về phát hiện của quân đội Mỹ, vẫn có nhiều nghi ngờ về sự tồn tại của kho báu Yamashita, hoặc quy mô của nó. Những người này tranh cãi rằng, nếu một số lượng vàng lớn như vậy được cất giấu, sẽ có nhiều hơn nữa những câu chuyện về việc phát hiện ra nó. Nhưng trên thực tế lại hầu như không có bằng chứng bất cứ số vàng nào được tìm thấy ngoài những tuyên bố đầy mâu thuẫn của các tay săn vàng hay những người bản địa Philippines.

Vì thế kho báu của Yamashita ngày càng mang màu sắc huyền thoại, giống như thành phố vàng đã mất El Dorado của người Inca hay Hầm tiền Đảo Sồi, địa điểm chôn vùi kho báu của thuyền trưởng Kidd.

Mặc dù vậy vẫn có nhiều tay săn kho báu dành cả đời để truy tìm kho vàng Yamashita với hy vọng chỉ cần phát hiện một phần nhỏ của kho báu đã ẩn giấu quá lâu.

Cập nhật: 25/12/2018 Theo Báo Tin Tức
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video