Trên Trái đất, các phân tử nước dính vào những hạt muối biển nhỏ hoặc bụi thổi vào không khí tạo thành những đám mây trắng. Tuy nhiên, khi nói đến sao Hỏa, sự hiện diện của các đám mây giữa khí quyển từ lâu vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy những đám mây trên sao Hỏa thực tế có thể được hình thành do các hạt bụi từ các thiên thạch bị phá hủy.
Khám phá này có thể nắm giữ chìa khóa để giải thích làm thế nào những đám mây giống như kẹo bông phát triển trong bầu khí quyển của hành tinh Đỏ.
Một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Colorado Boulder và là tác giả chính của bài báo mới, Victoria Hartwick, cho biết: “Mây không chỉ tự hình thành. Nó cần một cái gì đó có thể ngưng tụ”.
Những đám mây trên sao Hỏa khiến các nhà khoa học đau đầu tìm lời giải.
Sự hiện diện của các đám mây giữa khí quyển trên sao Hỏa, nơi không có muối biển, khiến các chuyên gia bối rối, mặc dù các nghiên cứu trước đó đã ám chỉ rằng khói thiên thạch, tàn dư của các thiên thạch bị phá hủy, có thể đã tạo ra các đám mây gần các cực.
Dựa trên lý thuyết đó, Hartwick và nhóm của cô tự đặt ra nhiệm vụ xác định xem liệu khói thiên thạch này có thể tạo ra những đám mây rõ ràng trong bầu khí quyển của sao Hỏa, bên dưới các loại mây đã biết khác hay không.
Hartwick và các đồng nghiệp đã kết hợp dữ liệu được lấy từ vệ tinh sao Hỏa và của NASA với các mô phỏng máy tính tái tạo dòng chảy của bầu khí quyển. Các mô phỏng thành công cho thấy, khói thiên thạch tạo ra các đám mây với điều kiện tương tự như trên Hành tinh Đỏ.
Mỗi ngày có 2 đến 3 tấn thiên thạch nhỏ chủ yếu tác động đến bầu khí quyển sao Hỏa. Khi chúng bị phá hủy trong hành trình xuyên qua bầu khí quyển, chúng giải phóng bụi vào không khí.
Trong khi chính xác vì sao sao Hoả mất nước vẫn là một câu hỏi mở, nghiên cứu mới hiện tại có thể là công cụ tiết lộ thông tin không chỉ về điều kiện thời tiết trên sao Hỏa ngày nay mà còn về khí hậu trong quá khứ của hành tinh Đỏ.