Bí ẩn những người trị liệu và chữa lành tâm linh thời Trung Cổ

Cách chữa trị cả thể xác và tinh thần nhuốm màu tâm linh thời kỳ Trung Cổ dường như mang lại kết quả đáng ngạc nhiên, theo Binghamton News.

Đầu tiên, để chữa bệnh, người bệnh cần một con kền kền chết. Tuy nhiên, con kền kền này phải chết được giết bằng một cây sậy và trong khi làm hành động đó, người giết phải đọc lời cầu nguyện. Tiếp theo, các bộ phận của kền kền cần được bảo quản thích hợp để có thể được dùng trong chữa bệnh và trị liệu.

Lịch sử ngành y bị thiếu hụt

Đây được cho là một trong những cách trị liệu ở Đế chế Carolus thế kỷ thứ chín, thời kỳ đầu Trung Cổ. Đế chế này kiểm soát một vùng đất rộng lớn, ngày nay bao gồm Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan và miền bắc Italy.

Các biện pháp chữa bệnh thời đó không hề giống với cách các bác sĩ làm ngày nay ở một phòng khám hiện đại. Thay vào đó, chữa bệnh và trị liệu, cả thể xác và tinh thần, được coi là một nghệ thuật thiêng liêng.

Leja, tác giả cuốn Embodying the Soul: Medicine and Religion in Carolingian Europe cho biết, nếu bạn nhìn vào hầu hết khóa học về lịch sử y học trong các trường đại học, nội dung của chúng phần lớn đều bắt đầu từ thế kỷ 16-17 và rất ít cuốn sách tìm hiểu các hoạt động điều trị y tế của những thời kỳ trước đó. Y học thời Trung Cổ được coi là mê tín, chịu ảnh hưởng từ truyền thống y học tâm linh của Hy Lạp - La Mã.


Một người đang thu thập thảo dược thời kỳ Trung Cổ. (Ảnh: Binghamton News).

“Vào đầu thời Trung Cổ, mọi thứ, trong đó có y học, đều tràn ngập hơi thở tôn giáo. Tuy nhiên, dù hình thức tiến hành ra sao thì y học vẫn được công nhận là một hình thức chữa bệnh hợp lý vì người hành nghề y cũng thể hiện sự hiểu biết của họ về cách thế giới vận hành vào thời điểm đó”, bà Leja nói.

Các biện pháp điều trị thời đó thường giải quyết được một số dạng bệnh nhỏ và quen thuộc như: đau đầu, hói đầu, loại bỏ những sợi tóc không mong muốn, khô mắt, cùng một số vấn đề khác. Những người chữa bệnh tại Carolus đã dựa trên các lý thuyết từ thế giới Hy Lạp-La Mã liên quan đến bốn loại dịch thể trong cơ thể, các loại sốt khác nhau và sự khác biệt giữa cơ thể nam và nữ. Tuy nhiên, việc điều trị trong thực tế có thể khác một chút vì tình trạng bệnh sẽ có sự khác biệt. Hiện cũng không có nhiều tài liệu về điều này do nhiều văn bản lưu trữ không còn tồn tại.

Leja giải thích: “Đây là thời điểm sau khi triều đại La Mã kết thúc và phần lớn các tác phẩm y học được viết bằng tiếng Hy Lạp thay vì tiếng Latinh nên toàn bộ hệ thống kiến ​​thức đó sau khi lan truyền đến những nơi khác thì khá rời rạc. Các học giả Carolus chỉ tập hợp được những phân đoạn kiến thức nhỏ, sau đó họ cố gắng phân tích và mở rộng. Vì vậy, y học thời Trung Cổ một mặt rất cổ điển, mặt khác cũng không hoàn toàn giống như trong chuyên luận của các ông tổ ngành y như Hippocrates hay Galen”.

Nhìn chung, các phương pháp điều trị vẫn tương đối nhất quán từ thời cổ đại cho đến những năm 1800: phổ biến là trích máu tĩnh mạch, cùng với các phương pháp điều trị bằng thảo dược, ngăn nhiễm trùng các vết thương hở cùng nhiều chế độ như nhịn ăn, nghỉ ngơi và thay đổi cách ăn uống để ngăn ngừa và điều trị bệnh.

Bà Leja cho hay: “Đôi khi, những công thức điều trị bệnh có thể có nhiều bước và liên quan đến những loại thuốc lạ mà bạn có thể khó có được”.

Hiệu quả đáng kinh ngạc

Mặc dù phương thức điều trị y học của thế kỷ thứ 9 có vẻ xa lạ với chúng ta ngày nay nhưng chúng cũng có logic riêng. Theo đó, lời nói, đặc biệt là những lời nói liên quan đến đức tin, có một sức mạnh đặc biệt. Thêm vào đó, các thời điểm khác nhau trong ngày hoặc các tuần trăng, được cho là có ảnh hưởng đến chất dịch cơ thể giống như cách mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều.

Thông thường, mọi người coi những yếu tố điều trị này là ma thuật và tâm linh, họ rất coi trong điều đó. Do vậy, tại Carolus, họ đã dành những nguồn lực đáng kể để sao chép những nội dung này lên giấy da trong thời kỳ sách rất đắt đỏ.

Và đối với những người hành nghề y ở thế kỷ thứ 9, những kỹ thuật này là đỉnh cao của khoa học y tế.

Tuy nhiên, những người hành nghề y này là ai cho tới nay vẫn còn là một bí ẩn. Lịch sử chỉ ghi lại tên của một số ít bác sĩ trong thời kỳ đó, chẳng hạn như những người làm việc cho các triều đình vua chúa.

Một số tu sĩ cũng đã được đào tạo về nghề y do một số tu viện cũng dành nguồn lực cho việc chữa bệnh. Họ thường xây dựng một cơ sở khám chữa, trong đó có các phòng được chỉ định để lấy máu, cung cấp thuốc và lưu trữ các loại dược phẩm cần thiết.

Các linh mục cũng có thể là người hành nghề y do một số cuốn sách cũng hướng dẫn cách tiến hành lễ rửa tội theo đạo Cơ đốc cùng các kỹ thuật chữa lành vết loét. Vào thời đó, những người được gọi là Medicus “Doctor” nổi lên như một nhân vật tâm linh do có thể nhìn vào cõi thiêng, dự đoán tương lai và chữa lành tâm hồn cũng như thể xác.

Trong một ví dụ minh chứng cho hiệu quả của cách chữa bệnh tâm linh này, một nhà nghiên cứu của Đại học Nottingham đã tìm ra một công thức chữa bệnh nhiễm trùng mắt hàng nghìn năm tuổi được viết bằng tiếng Anh cổ. Khi một nhóm các nhà vi trùng học làm theo công thức đến từng chi tiết, bao gồm cả những hướng dẫn có vẻ kỳ lạ đối với mắt trong thời hiện đại, họ đã tạo ra một loại thuốc mỡ có hiệu quả chống lại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Leja nhận định: “Kết quả nghiên cứu của họ cho thấy một số cách điều trị thời đó thực sự có hiệu quả và những con người thời hiện đại không nên coi thường. Nếu chỉ nghĩ những công thức này là mê tín, thiếu hiểu biết, thì trên thực tế, chúng ta có thể đang thiếu đi những kiến thức quan trọng”.

Cập nhật: 26/06/2024 Znews
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video