Trên "tảng đá tình nhân" khổng lồ La Pena de los Enamorados, một cấu trúc cự thạch 5.000 năm tuổi vừa tiết lộ hàng loạt điều bất ngờ.
Theo Ancient Origins, tảng đá tình nhân La Pena de los Enamorados, còn được gọi là "Người khổng lồ đang ngủ" là một khối đá tự nhiên có độ cao tận 884 m, nằm ở vùng Andalusia của Tây Ban Nha, cách Madrid khoảng 458km về phía Tây Nam.
Mộ đá trắng Piedras Blancas còn là một đài thiên văn và một dạng đền thờ cổ đại - Ả(nh: ANTIQUITY).
Phía trên nó, ngay vị trí ngực của "người khổng lồ" là một ngôi mộ cổ được người dân gọi là "mộ đá trắng", đã nổi tiếng từ lâu; nhưng một cuộc khai quật gần đây, dẫn đầu bởi giáo sư tiền sử học Leonardo Garcia Sanjuan từ Đại học Seville (Tây Ban Nha) đã tiết lộ những bí mật gây sốc về "mộ đá trắng".
Thứ nhất, nó không chỉ là mộ cổ, mà còn là một dạng đài thiên văn sơ khai, nơi những người cổ đại dùng để quan sát các thiên thể, tính lịch, mùa vụ, tính toán để tổ chức các nghi lễ.
Bài công bố trên tạp chí khảo cổ Antiquity cho biết ngôi mộ cổ đá trắng trên "tảng đá tình nhân" và từng chi tiết bên trong mộ đều được sắp đặt một cách cẩn thận, có ý nghĩa đối với thiên văn.
"Tảng đá tình nhân" khổng lồ La Pena de los Enamorados - (Ảnh: ANCIENT ORIGINS).
Những tảng cự thạch lâu đời nhất của ngôi mộ được đặt vào tận 3.000 năm trước công nguyên. Một số đồ tùy táng bằng gốm cùng niên đại được đặt vào mộ cùng thời điểm.
Các nhà khoa học nghi ngờ rằng các bộ hài cốt đã được đặt lên một bệ lớn bằng đá bằng phẳng, sau đó đẩy vào một khu vực phía sau bệ khi đã phân hủy, nơi các nhà khảo cổ tìm thấy 45 chiếc răng và 95 chiếc xương.
Vào khoảng năm 2.500 năm trước Công Nguyên, ngôi mộ có dấu hiệu được nâng cấp và đặt một cặp hốc chôn cất bằng đá, có thể là nơi an nghỉ của một đôi nam nữ có địa vị cao.
Một thời gian sau, ngôi mộ tiếp tục được thay đổi đáng kể, khi các khối đá mới được thêm vào, bịt kín lối vào lăng mộ. Lần trùng tu này cũng đồng thời đưa vào thêm xương cốt của ít nhất 2 trẻ em và 3 phụ nữ khác. Như vậy nó đã được sử dụng trong 3 giai đoạn riêng biệt trước khi bị niêm phong hoàn toàn từ khoảng năm 1950 đến 1180 trước Công Nguyên.
Ở một cấp độ khác, các vòng tròn đá, cách đặt lăng mộ chính cho thấy nó đúng là một đài thiên văn cổ đại, nơi người thời kỳ trước đã sử dụng để quan sát nhiều hiện tượng quan trọng từ khoảng 3.000 năm trước Công Nguyên, tức thuộc thời đại đồ đá mới trong khu vực.
Một số cấu trúc được căn chỉnh sẵn để đánh dấu các ngày đặc biệt như Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí...
Tất cả các tấm sàn trong mộ cũng được sắp xếp cẩn thận để thẳng hàng với hướng mặt trời mọc vào ngày 21-6, tức ngày Hạ chí và cũng là ngày dài nhất trong năm, tiết lộ đây có thể từng là địa điểm nghi lễ để thời thần Mặt trời.
Tảng cự thạch nặng nhất cũng được đặt chính xác để đưa ánh sáng mặt trời mọc vào phía sau căn phòng trong ngày Hạ chí. Một viên đá tam giác khác cũng được cắm vào sàn nhà, hướng về phía mặt trời mọc.