Một hòn đảo không người nhưng có nhiều mảnh vỡ hộp sọ dị hình giữa biển Caribean đã gây tò mò cho giới khảo cổ. Hòn đảo mang tên Petite Musique, biệt danh là đảo đầu lâu.
Nghiên cứu được ca ngợi là đột phá, vừa công bố trên International Journal of Paleopathology, đã giải mã bí mật của "đảo đầu lâu" - là một hòn đảo cách ly bệnh truyền nhiễm cổ xưa của loài người.
Hộp sọ dị hình được phát hiện tại hòn đảo không người này
Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ trên các hộp sọ dị hình được phát hiện tại hòn đảo không người này, các nhà khoa học đã chứng minh sự tồn tại của bệnh phong ở vùng Caribean 200 năm trước.
Theo Acient Origins, nhóm nghiên cứu do giáo sư Scott M.Fizpatrich từ Đại học Oregon (Mỹ) cho biết các bằng chứng về bệnh phong ở khu vực này rất hiếm hoi. Tuy nhiên cũng có một ghi chép đặc biệt mô tả một bệnh viện đặc biệt ở vùng khó ai đặt chân tới hay thoát khỏi, nơi những người bệnh phong bị đày ải khỏi xã hội loài người vào đầu những năm 1800.
"Đó phải là hòn đảo đầu lâu này", theo tờ Phys.org.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi con người khai phá ra Tân Thế Giới và đem những thứ như cà phê, thuốc lá, khoai tây, sô cô la... về các lục địa khác, cũng là lúc sự "giao thương" của các mầm bệnh truyền nhiễm giữa 2 cộng đồng xảy ra, ví dụ như bệnh giang mai đã được xác định là bị lây từ châu Mỹ sang châu Âu; trong khi đó người châu Âu đem sởi, đậu mùa và sốt phát ban đến Tân Thế Giới.
Chính con đường giao thương đó đã đem bệnh phong đến vùng Caribean, nơi con người hoảng sợ trước sự biến dạng mà căn bệnh gây ra cho những người xấu số. Những hòn đảo nhỏ biến thành những trại cách ly tàn khốc.
Tàn tích chính là những hộp sọ không toàn vẹn, không phải do chấn thương mà do căn bệnh - vốn "ăn" vào trong xương - hủy hoại, chủ yếu là xương ở mũi và hàm trên. Lịch sử khủng khiếp về căn bệnh đồng thời các điều kiện sống hạn chế trên đảo có thể là nguyên nhân khiến hòn đảo vẫn không người cho tới ngày nay.