Từ tháng 2/2013, các nhà khoa học đã tiến hành đợt khảo sát sơ bộ nhóm hang động nguồn gốc dung nham tại khu vực huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai).
Đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và Hội Hang động Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) đã tiến hành khảo sát tổng cộng 11 ống/hang dung nham với tổng chiều dài 1,8km. Trong số này, hang động dài nhất được tìm thấy là Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gãy, tạo ra hai hang: Hang Dơi 1 và Hang Dơi 2.
Đoạn cao và rộng nhất bên trong Hang Dơi 1.
Trong Hang Dơi 1 có một đoạn dài nhất (426m), liên tục, không đứt gãy, nơi được ghi nhận là rộng nhất của hang với chiều cao lên tới 4m và chiều rộng 10m. Nếu xem như đây là một hang động duy nhất của hệ thống (tính luôn phần sụp đổ), thì phần hang này có tổng chiều dài đến 534m và được coi là hang dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á tính cho đến thời điểm hiện nay (dài hơn ống dung nham Gua Lawah (400m) của Indonesia).
Bên cạnh đó, đoàn cũng ghi nhận được sự sống phong phú tại các hang động này, với nhiều chủng loại động vật, như: Dơi, các loài động vật thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, nhiều loài ếch nhái, động vật có vú ...
Phát hiện này dự kiến sẽ được Hội Hang động Berlin xuất bản thành một báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh, bao gồm: phần bản đồ và phần mô tả về các hang động và sẽ được xuất bản trên ấn phẩm speleological Berlin Speleoclub của hội.