Theo truyền thuyết thì những con mắt màu xanh lục có thể bảo vệ người đeo bằng cách hút mọi điềm xấu và nứt vỡ để hóa giải mọi điều không may đến với chủ nhân.
Gây nên những đại họa
Người dân Mexico vẫn rỉ tai nhau về câu chuyện kỳ lạ của cô bé Chita. Chita là một bé gái ngoan ngoãn, khỏe mạnh và xinh xắn. Trong một lần bé Chita được mẹ đưa lên thành phố chơi, bỗng có một phụ nữ Mexico nhỏ bé tiến lại gần em. Bà ta nhìn cô bé chằm chằm, lấy tay chạm vào đầu cô bé và thốt lên: “Cô bé thật là dễ thương. Cho ta chạm vào người và đôi mắt của bé nhé”. Người phụ nữ sau đó biến mất vào đám đông. Chỉ một ngày sau, bé Chita tự nhiên bị ốm, sốt rất cao. Chita được mẹ đưa tới bệnh viện khám bệnh. Các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân nào làm cô bé ốm. Trong lúc gia đình cô đang rất hoang mang, một pháp sư xuất hiện và nói với mẹ của bé rằng “cô bé đang bị mắt quỷ ám”. Được sự đồng ý của gia đình, bà pháp sư đã tìm cách giải hạn cho cô bé...
Chuyện của bé Chita chỉ là một trong số hàng vạn những câu chuyện liên quan đến “mắt quỷ” được lưu truyền trên khắp thế giới.
“Mắt quỷ” (Evil eye) trong tiếng Tây Ban Nha là el ojo, trong tiếng Ý là occhio, có nghĩa là những ánh mắt thèm khát. Những truyền thuyết về mắt quỷ đã xuất hiện ở vùng Trung Đông cách đây hàng ngàn năm và lan rộng ra nhiều vùng trên thế giới từ Ý, Hy Lạp đến Mexico, Brazil và Ấn Độ, Trung Hoa, v.v. Mắt quỷ có mặt trong nhiều tôn giáo như Do Thái giáo, Phật giáo... Nó cũng hiện diện trên nhiều nền văn hóa khác nhau.
Người ta cho rằng, mắt quỷ hình thành từ sự thèm khát, đố kỵ, ghen tuông. Nó nhập vào ai đó và lan đi, gây nên những căn bệnh giống như một thứ dịch mà không rõ căn nguyên. Những mầm họa này xuất hiện ở đâu sẽ gây tai họa thường là bệnh tật với trẻ em, phụ nữ có thai. Nó cũng có thể làm thui, chột những vườn cây ăn quả hay làm chết những vật nuôi trong nhà. Khi những ánh mắt quỷ nhắm vào ai đó kèm theo những lời nguyền rủa, người ấy có thể bị khuynh gia, bại sản và cướp đi sự may mắn của họ. Đẩy họ vào “vận đen” không thể hiểu nổi.
Bùa mắt quỷ hóa giải điều không may
Để tránh bị ám bởi mắt quỷ, mỗi nơi có một cách khác nhau. Chủ yếu là sử dụng bùa giải hạn.
Bùa mắt quỷ.
Tiến sĩ Nese Yildiran tại Đại học Bahcesehir (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng, bùa chú hình con mắt lâu đời nhất xuất hiện từ năm 3.300 trước Công nguyên: “Những lá bùa đó đã được khai quật ở vùng Tell Brak, một trong những thành phố cổ nhất của Mesopotamia, nơi hiện nay là Syria. Chúng được làm bằng đá vôi với đôi mắt được chạm nổi”.
Ông cho biết đã có rất nhiều mặt dây chuyền hình Con mắt Horus màu xanh biếc đã được khai quật từ Ai Cập và những hạt cườm mắt quỷ màu xanh đã được người Phoenician, người Assyrian, người Hy Lạp, người La Mã sử dụng. Đó là chiếc bùa bằng đồng, hình bàn tay được chạm khắc rất tinh xảo. Bàn tay bắt quyết có dạng ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa chỉ thẳng, trong khi 2 ngón tay còn lại gập vào. Trên đó có nhiều ký hiệu kỳ lạ, có 1 con rắn quấn quanh.
Những chiếc bùa để phong mắt quỷ ở thế kỷ 19 thường có dạng màu đỏ, có hình con mắt hoặc cái móng ngựa, hoặc kết hợp cả hai.
Thời Ai Cập cổ đại, Con mắt Horus, còn nổi tiếng với tên mặt dây chuyền Thần Wadjet, được chôn theo các Pharaoh để bảo vệ họ trong kiếp sau. Bùa Hasam có hình dạng bàn tay với con mắt ở giữa được người Do Thái, người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở Bắc Phi và Trung Đông sử dụng. Người Phoenician cổ đại xâu chuỗi biểu tượng con mắt lại thành dây chuyền đeo cổ.
Loại bùa Mano fico. (Ảnh: Tween-the-shadows)
Ở Ý phổ biến nhất là 2 loại bùa có tên là Mano fico và Mano cornuto. Những chiếc bùa này thường được làm bằng bạc để đeo cổ. Loại Mano fico là dạng bùa các ngón tay nắm lại hình quả đấm, trong đó ngón tay cái xỏ qua ngón tay trỏ và ngón giữa. Bùa này chuyên sử dụng cho phụ nữ để chống lại mắt quỷ tình dục. Bùa Mano cornuto có dạng bàn tay đang bắt quyết. Ngón tay cái đặt cạnh hai ngón giữa và ngón đeo nhẫn gập vào, trong khi 2 ngón trỏ và út xòe ra như hình cái sừng. Những loại bùa hộ mạng này được tặng cho trẻ em vào dịp sinh nhật hoặc trước khi chúng đi chơi xa nhằm tránh bị mắt quỷ ám và thêm nữa sẽ mang lại may mắn.
Loại bùa hộ mạng ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường được làm hình con mắt bằng thủy tinh xanh, để phản xạ những ánh mắt quỷ làm chúng không ám được vào người. Đôi khi chúng được làm từ các loại đá quý được chạm khắc rất tinh xảo có hình bàn tay và một con mắt ở trong lòng được gọi tên là Hansa hand.
Bùa hộ mạng ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có con mắt bằng thủy tinh xanh.
Tại Ấn Độ, các loại bùa hộ mạng chống lại mắt quỷ là những sợi dây tết có gắn đá xanh. Chúng được đeo cho các em bé khi ra đời. Đến khi nào sợi dây đứt hoặc màu xanh bị bay hết, coi như các em đã đủ lớn và không cần đến sự bảo vệ của bùa hộ mạng nữa. Tại những khu vực như Nepan, Trung Quốc, loại bùa phổ biến là Mắt Phật được làm bằng bạc hoặc đồng. Loại bùa này hình tròn có nhiều hoa văn chạm khắc, ở giữa có một con mắt lớn và rất nhiều mắt khác xung quanh.
Những câu chuyện về mắt quỷ đến ngày nay vẫn hiện diện ở nhiều khu vực. Bùa hộ mạng chống mắt quỷ đã trở thành một thứ đồ trang sức ưa dùng ở châu Âu. Trong quá khứ, mắt quỉ mang nhiều màu sắc hoang đường. Song, xét cho cùng, hiện tại việc con người cố gắng tìm cách xóa bỏ những ánh mắt “mang hình viên đạn” của lòng hận thù, ghen ghét, đố kỵ vẫn là điều cần thiết, tuy cách thức có khác đi.
Ngày nay, những chiếc bùa mắt quỷ là đồ lưu niệm đặc trưng, dễ dàng tìm được ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở khu vực Địa Trung Hải. Ở đây, du khách có thể dễ dàng thấy biểu tượng mắt quỷ trên những chiếc vòng tay, hoa tai, vòng cổ của phụ nữ; trong những ngôi nhà của người dân địa phương, văn phòng và cả xe ô tô; quần áo của trẻ em. Mắt quỷ thường có màu xanh đại dương với nhiều kích cỡ khác nhau, chủ yếu là hình tròn.
Chiếc bùa sẽ đi theo chủ nhân và bảo vệ chủ nhân khỏi những điều xui xẻo. Nếu bùa này vỡ, điều đó có nghĩa bạn vừa tránh được một điều xấu, cần tìm ngay chiếc mới để thay thế.
Vùng đất Cappadocia với những thung lũng nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng bùa mắt quỷ độc đáo. Ở đây, người dân treo bùa mắt quỷ trên những cành cây mật độ dày đặc để cầu may mắn.