Từ một chiếc quách Ai cập được trang trí tinh xảo tới thi thể còn nguyên vẹn của một con khỉ mặc váy... một cuộc triển lãm mới tại Los Angeles, Mỹ, làm hé lộ những bí ẩn cổ xưa nhất của xác ướp.
>> Ảnh các xác ướp cổ đại trong triển lãm
Xác ướp của em bé tên là Johannes Orlovitz, chết khi mới 1 tuổi. Trang phục của em được tái tạo lại từ những mảnh vải mà em được chôn theo. Ảnh: KPA. |
Triển lãm mang tên "Mummies of the World", khai trương ngày 1/7, tại Trung tâm khoa học California, được coi là cuộc triển lãm xác ướp lớn nhất trong lịch sử. Nó mở ra một cái nhìn mới về các nghi thức ma chay thời cổ đại và công việc của những chuyên gia ướp xác.
Triển lãm trưng bày hàng chục xác ướp của đàn ông, phụ nữ, trẻ con và động vật, được sưu tầm từ mọi nơi trên thế giới - một số được tẩm ướp, một số được bảo tồn tự nhiên - cũng như một kho báu các tạo vật khảo cổ.
Ý tưởng về cuộc triển lãm này được ra đời sau khi người ta phát hiện ra 20 xác ướp bị lãng quên đang nằm phủ bụi trong Bảo tàng Reiss Engelhorn ở Mannheim, Đức, năm 2004.
Hơn 20 cơ sở tại châu Âu đã đóng góp các hiện vật cho cuộc triển lãm. Chúng sẽ được mang đi giới thiệu trên khắp nước Mỹ trong vòng ba năm.
"Cuộc triển lãm làm rõ một sự kết hợp tài tình giữa khoa học và lịch sử", AFP dẫn lời Jeffrey Rudolph, Chủ tịch Trung tâm khoa học California, nói. "Nó là bằng chứng tuyệt vời cho thấy khoa học có thể giúp chúng ta hiểu biết rõ ràng hơn cả về quá khứ lẫn hiện tại, và làm thế nào mà tự nhiên và văn hóa lại có thể kết hợp với nhau trên toàn thế giới".
Cuộc triển lãm cũng giới thiệu những kỹ thuật được sử dụng để thu thập thông tin từ xác ướp, như công nghệ phân tích gene, xác định niên đại qua carbon, chụp ảnh cộng hưởng từ.
Những kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học hiểu được về cơ quan nội tạng, sức khỏe, thức ăn và nguyên nhân cái chết của các xác ướp, cũng như cuộc sống, lịch sử và văn hóa của họ, Albert Zink, Giám đốc Viện xác ướp và người băng ở Bolzano, Italy, nói.
Theo Zink, những xác ướp này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có những ứng dụng hữu ích cho hiện tại. "Những gì chúng ta học được qua xác ướp có thể giúp các nhà khoa học loại bỏ được những bệnh chết người trong tương lai".
Cuộc triển lãm cũng nhằm làm sáng tỏ việc ướp xác là hoạt động có trên toàn cầu chứ không phải chỉ tập trung ở Ai Cập cổ đại như nhiều người lầm tưởng. "Chúng tôi có bằng chứng khoa học cho thấy việc ướp xác bắt nguồn từ Nam Mỹ, trước cả Ai Cập", Heather Gill-Frerking, Giám đốc khoa học và giáo dục của cuộc triển lãm này tuyên bố.