Bắp chân là khu vực khối cơ ở mặt sau của cẳng chân. Nó được tạo thành từ các cơ sau đây: Cơ sinh đôi cẳng chân. Đây là phần cơ bắp chân lớn hơn, tạo thành khối phồng có thể nhìn thấy bên dưới da. Đau nhức bắp chân do nhiều nguyên nhân gây ra.
Những điều cần biết về bệnh đau nhức bắp chân
1. Đau nhức bắp chân cảm giác như thế nào?
Bị nhức bắp chân có cường độ đau phụ thuộc vào nguồn gốc cơn đau là gì. Một số người bị đau nhức bắp chân âm ỉ hoặc đau nhói ở sau cẳng chân nhưng đôi khi lại là cảm giác căng cứng hoặc buồn bực, tê râm ran như kiến bò,...
Các triệu chứng cho thấy đau nhức bắp chân có thể nghiêm trọng cần liên hệ với bác sĩ bao gồm:
- Bắp chân sưng tấy
- Bắp chân có màu xanh, nhợt nhạt hoặc mát bất thường
- Tê hoặc ngứa ran khó chịu ở bắp chân và chân
- Đột ngột yếu cơ chân
- Bắp chân sưng đau phù nề
- Bắp chân đỏ, ấm và đau
- Đau nhức bắp chân nghiêm trọng, không thuyên giảm sau vài ngày, ảnh hưởng tới việc sinh hoạt bình thường.
2. Nguyên nhân gây đau nhức bắp chân
Đau bắp chân thường do căng cơ, chuột rút, hội chứng chân không yên nhưng một số bệnh động mạch ngoại biên hay sự xuất hiện của huyết khối tĩnh mạch sâu - còn gọi là cục máu đông - cũng có thể gây ra tình trạng này.
Có nhiều nguyên nhân khiến cơn đau nhức bắp chân bùng phát. (Ảnh: Internet).
2.1. Chuột rút cơ bắp chân
Chuột rút cơ bắp chân xảy ra khi có sự co thắt đột ngột không tự chủ của một hoặc nhiều cơ bắp chân. Cảm giác chuột rút cơ bắp chân được mô tả là rất căng và đau, thậm chí có thể nhận thấy các nút thắt cơ rõ ràng hay cảm giác co giật.
Sau khi chuột rút xảy ra, cơn đau bắp chân có thể kéo dài trong vài ngày sau đó. Khoảng 60% người trưởng thành bị chuột rút ở bắp chân vào ban đêm, kéo dài trung bình 9 phút mỗi đợt.
Nguyên nhân gây chuột rút cơ bắp chân có thể do mệt mỏi do tập luyện cường độ cao, thiếu hụt vitamin B12 và D3, thiếu sắt, mất cân bằng điện giải cơ thể hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc như Klonopin (clonazepam), Celebrex (celecoxib), Ambien (zolpidem) và Naprosyn (naproxen). Đôi khi đây cũng có thể là biểu hiện của các tình trạng nghiêm trọng như suy giáp, tiểu đường, suy thận,...
Phụ nữ mang thai cũng có thể bị chuột rút gây đau nhức bắp chân, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kì.
2.2. Căng cơ
Căng cơ thường xảy ra do mệt mỏi, hoạt động quá mức hoặc sử dụng cơ không đúng cách. Các bài tập dễ gây căng cơ khi mới bắt đầu như chạy dài, đạp xe, cử tạ,... Cơn đau nhức bắp chân do căng cơ được mô tả là cảm giác đột ngột, nhức nhối và hạn chế phạm vi cử động.
Đôi khi căng cơ có thể nghiêm trọng hơn, gây rách cơ, đứt cơ và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
2.3. Viêm gân gót chân (Achilles)
Viêm gân gót chân là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức dẫn đến sự quá tải về lực và trọng lực, làm tổn thương vùng gót chân.
Các triệu chứng phổ biến của viêm gân gót chân có thể bao gồm viêm gan, đau đớn và cảm giác cứng phía sau cẳng chân. Các lựa chọn điều trị đơn giản tại nhà có thể hữu ích như giãn cơ, giảm cường độ hoạt động, nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
Đau nhức bắp chân có nguy hiểm không. (Ảnh: Internet).
2.4. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là đau dọc theo dây thần kinh tọa. Nó thường là kết quả của sự chèn ép các rễ thần kinh thắt lưng ở lưng dưới. Các dây thần kinh này điều khiển các cơ ở cẳng chân và mặt sau đầu gối. Khi cơn đau xảy ra, người bệnh sẽ có cảm giác đau, tê và ngứa ran ở lưng dưới; sau đó lan xuống chân, bắp chân và các khu vực khác.
Để giảm đau nhức bắp chân do đau thần kinh tọa có thể chườm nóng hoặc lạnh, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, vật lý trị liệu và tránh ngồi hoặc đứng quá lâu.
2.5. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới
Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Venous Thrombosis - DVT) có nghĩa là có một hoặc nhiều cục máu đông trong tĩnh mạch sâu của cơ thể. Các tĩnh mạch sâu nằm trong tứ chi và cơ thể khác với các tĩnh mạch ngoài mà bạn nhìn thấy trên bàn tay và cánh tay.
Triệu chứng thường gặp của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể bao gồm sưng đau đột ngột ở bắp chân; sưng ở bàn chân, mắt cá chân hoặc chân; chuột rút; đau chân; thay đổi màu da; tĩnh mạch trở nên cứng hoặc dày lên; vùng da bị ảnh hưởng có cảm giác ấm nóng hơn khi chạm vào,...
Tùy theo nguyên nhân gây nhức bắp chân là gì mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau. (Ảnh: Internet).
2.6. Viêm tủy xương
Viêm tủy xương là tình trạng viêm và phá hủy cấu trúc xương do vi khuẩn, lao hoặc nấm gây ra. Triệu chứng thường gặp là đau xương khu trú và các triệu chứng toàn thân (trong tủy xương cấp tính) hoặc không có các triệu chứng toàn thân (trong tủy xương mạn tính).
Với tình trạng này, bạn có thể bị đau bắp chân liên tục, âm ỉ hoặc có cảm giác nóng, sưng đỏ ở chân; một vài trường hợp có thể kèm theo sốt.
2.7. Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi (hầu như luôn là chi dưới) gây thiếu máu cục bộ do sự tích tụ của các chất béo trong động mạch của chi trên và chi dưới.
PAD ở động mạch cẳng chân đặc trưng bởi cơn đau quặn thắt khi vận động (đau cách hồi), đau mông, đau hông, đùi, bắp chân hoặc bàn chân khi đi bộ chỉ một đoạn ngắn.
2.8. Viêm gân khoeo (Popliteus Tendinitis)
Gân khoeo ở xung quanh khớp gối của bạn, nối xương đùi với cơ khoeo ngay dưới đầu gối. Gân cơ khoeo và cơ khoeo phối hợp với nhau để xoay và ổn định đầu gối của bạn. Viêm gân khoeo xảy ra khi gân bị viêm, thường là do hoạt động quá mức.
Cơn đau do viêm gân khoeo được mô tả là cảm giác đau ngay phía trên của bắp chân, ở phía sau và một bên của đầu gối. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn đi bộ hoặc chạy xuống dốc.
Hội chứng chân không yên khiến chân có cảm giác bồn chồn, nhức mỏi về đêm. (Ảnh: Internet).
2.9. Nang Baker (Baker's Cyst)
Nang hoạt dịch vùng khoeo chân còn được gọi là nang Baker (Baker's cyst). Đây là nang chứa dịch nằm ở cạnh trong hố khoeo và lành tính hoàn toàn. Nang này có thể thông vào trong khớp gối, có thể kết hợp với thoái hóa sừng sau sụn chêm trong có hay không có kèm theo rách sụn chêm. Sự tích tụ dịch khớp gối xảy ra, động lại phía sau đầu gối, phổ biến ở người mắc bệnh viêm khớp.
Nếu nang này vỡ, chất lỏng có thể bị rò rỉ xuống vùng bắp chân, gây đau nhức ở bắp chân và sưng tấy.
2.10. Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên khiến chân có cảm giác bồn chồn, nhức mỏi về đêm; cơn đau nhức khó chịu tăng lên về đêm, đặc biệt lúc bạn lên giường ngủ khác với đau khớp.
Ngoài các tình trạng trên có thể gây đau bắp chân thì một số tình trạng như rách cơ bắp chân, dập cơ bắp chân... do chấn thương cũng cần lưu ý để cấp cứu kịp thời.
Tùy từng trường hợp đau nhức bắp chân do nguyên nhân gì mà bác sĩ sẽ có các biện pháp chỉ định điều trị phù hợp. Nghỉ ngơi, nâng cao chân và chườm lạnh là một trong những cách nhanh nhất để giảm đau nhức bắp chân. Vật lý trị liệu, dùng thuốc hoặc phẫu thuật cần có tư vấn từ bác sĩ.
Có một số biện pháp giúp giảm nguy cơ đau nhức bắp chân bằng cách thay đổi thói quen trong lối sống hàng ngày như khởi động trước khi tập thể dục, tránh tập thể dục quá sức, uống đủ nước tránh chuột rút, ngừng hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn uống khoa học,...