Cuộc chạy đua nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Bắc Cực giữa một số cường quốc ngày càng trở nên ráo riết hơn trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
AP cho rằng, đối với các nhà lãnh đạo thế giới, cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu đã kết thúc từ lâu. Giờ đây họ đang chuẩn bị cho một kiểu chiến tranh lạnh theo đúng nghĩa đen ở Bắc Cực, bởi giới khoa học đoán rằng do nhiệt độ tăng dần, nhiều nguồn tài nguyên quý báu và tuyến hàng hải mà nhiều nước mơ ước sẽ lộ ra khi băng tan. Tất nhiên, nhiều cuộc xung đột, tranh chấp cũng có thể bùng nổ khi tài nguyên lộ ra.
Nhiều hoạt động quân sự đang diễn ra tại Bắc Cực và giới phân tích nhận định những hoạt động như thế sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Tháng trước Na Uy đã tiến hành một trong cuộc diễn tập quân sự lớn nhất trong lịch sử Bắc cực. Exercise Cold Response - tên của cuộc diễn tập - được tổ chức với sự tham gia của 16.300 binh sĩ từ 14 nước. Họ tập luyện mọi thứ trên băng lạnh, từ chống khủng bố tới chiến tranh quy mô lớn.
Mỹ, Canada và Đan Mạch cũng tổ chức nhiều cuộc tập trận tại Bắc Cực hồi tháng 1. Và trong một động thái chưa từng có tiền lệ, chỉ huy quân đội của 8 cường quốc gần Bắc Cực - bao gồm Canada, Mỹ, Nga, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan - đã nhóm họp tại một căn cứ quân sự của Canada vào tuần trước để thảo luận về những vấn đề an ninh trong khu vực.
Tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ ngoi lên từ dưới băng tại Bắc Băng Dương. Đây là một trong những tàu ngầm được trang bị lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện nên có thể hoạt động liên tục dưới biển trong nhiều tháng.
Tất cả những sự kiện đã xảy ra không đồng nghĩa với việc một cuộc chiến sẽ xảy ra tại Bắc cực trong tương lai gần. Nhưng trong bối cảnh số lượng công nhân và tàu tới Bắc Cực để thăm dò dầu và khí đốt đang tăng dần, một số chính phủ cảm thấy họ phải ban hành chính sách, tăng cường tuần tra biên giới và phô diễn sức mạnh quân sự để răn đe những đối thủ cạnh tranh tài nguyên.
Cơ quan Địa chất Mỹ dự tính 13% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa được phát hiện trên trái đất đang nằm tại Bắc Cực. Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ dự đoán tàu biển có thể thường xuyên di chuyển trên những tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực vào năm 2030 do băng tan.
Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn đang tranh cãi gay gắt về việc những nước nào sẽ phải hành động để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu thì quân đội một số nước đã thực thi các chiến lược nhằm mở rộng ảnh hưởng ở cực bắc của trái đất. Nga, Canada và Mỹ có những lợi ích lớn nhất ở cực bắc của địa cầu. Do ngân sách quốc phòng bị xé thành nhiều phần nhỏ bởi cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan và hàng loạt vấn đề cấp bách tại những nơi khác trên thế giới, Mỹ tỏ ra chậm trễ hơn cả trong cuộc đua tới Bắc Cực, mặc dù Washington sở hữu hạm đội tàu ngầm sử dụng lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện. Hạm đội tàu ngầm này có thể hoạt động nhiều tháng bên dưới băng.
Một phần ba lãnh thổ Nga nằm trong Bắc Băng Dương. Vì thế, trong nhiều thập kỷ qua Moscow thể hiện thái độ mạnh mẽ nhất trong quá trình gây dựng ảnh hưởng ở Bắc Cực.
Rob Huebert, một giáo sư khoa học chính trị của Đại học Calgary tại Canada, nhận định rằng Nga đã hoàn toàn phục hồi sức mạnh sau khi thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90. Giờ đây Điện Kremlin đang có đủ khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực - một chiến lược từng đóng vai trò then chốt trong đường lối tổng thể của Liên Xô cũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hoạt động tuần tra của máy bay ném bom và tàu ngầm Nga tăng rõ rệt trong thời gian qua. Tình trạng đó khiến các nước khác ở Bắc Cực - Na Uy, Đan Mạch và Canada - quyết định khôi phục các cuộc tập trận trong khu vực. Ba nước này từng giảm quy mô hoặc bỏ hẳn các cuộc tập trận tại Bắc Cực sau khi Liên Xô sụp đổ. Thậm chí những nước không thuộc phạm vi Bắc Cực như Pháp cũng tỏ ra quan tâm tới việc triển khai quân đội tới đây.
“Một vùng đại dương từng tách biệt với phần còn lại của thế giới đang trở thành một vùng mà con người có thể tiếp cận. Hàng loạt yếu tố đang xuất hiện và củng cố lẫn nhau. Thực tế ấy khiến sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực tăng dần và mức độ hiện diện sẽ tăng dần theo thời gian”, Huebert bình luận.