Trong lịch sử đã có nhiều vương triều trên thế giới bị diệt vong do quá trình biến đổi khí hậu, điển hình là Vương triều nhà Đường ở Trung Quốc và Vương triều May-a (Maya) ở Trung Mỹ.
Đây là kết luận của nhóm các nhà khoa học nghiên cứu trầm tích và động lực khí hậu thuộc Trung tâm Địa chất (Đại học Posdam, Đức), công bố trên tạp chí khoa học Tự nhiên của Anh.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bằng phương pháp xét nghiệm từ tính và chất ti-tan (titanium) từ lõi nham thạch lấy tại các lỗ khoan ở vùng hồ Quang Nham, bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, các nhà khoa học Đức đã phát hiện cách đây khoảng 15.000 năm, tại vùng Đông Á đã xảy ra ba thời kỳ biến đổi khí hậu lớn.
Trong đó hai thời kỳ đầu thuộc kỷ Băng Hà, thời kỳ thứ ba diễn ra vào khoảng năm 700 - 900 sau Công nguyên, giai đoạn phát triển của nhà Nhà Đường, một trong những vương triều cường thịnh nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Do biến đổi khí hậu gây hạn hán kéo dài, mùa màng liên tục thất bát, dân chúng đói khổ, bạo loạn khắp nơi, quốc lực suy kiệt dẫn đến việc nhà Đường diệt vong vào năm 907.
Diệt vong nền văn minh Maya (Ảnh: Google.com) |
Vương triều Maya cũng phát triển rất rực rỡ ở Trung Mỹ vào những năm 810 - 910, nhưng cuối cùng cũng bị "xóa sổ" trong hoàn cảnh tương tự. Kết quả khảo cứu trầm tích ở thung lũng Cariaco cho thấy vào khoảng thế kỷ thứ 9, vùng Caribe bị hạn hán trầm trọng kéo dài hàng trăm năm làm cho Vương triều Maya phồn vinh bị sụp đổ và các công trình kiến trúc cũng như nền văn minh Maya bị tàn lụi.