Một tác hại mới từ hiện tượng biến đổi khí hậu đã được phát hiện. Và lần này có liên quan đến chuyện cá chết hàng loạt.
Tại Mỹ, các nhà khoa học vừa đưa ra một kết luận khiến chúng ta phải giật mình. Lượng oxy có trong nước biển đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, và nguyên nhân chỉ có một: biến đổi khí hậu.
Cụ thể hơn, các nhà khoa học từ Trung tâm nghiên cứu Khí tượng quốc gia Mỹ tại Colorado cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến lượng oxy hoà tan trong nước biển giảm đi.
Tình hình này nghiêm trọng đến nỗi các loài thủy sinh như cá, mực, cua, giáp xác... đang gặp rắc rối trong vấn đề hô hấp.
Theo tiến sĩ Matthew Long, chủ nghiệm nghiên cứu: "Oxy trong nước biển mất đi là một hệ quả nghiêm trọng từ quá trình nóng lên của Trái đất, do nồng độ oxy phụ thuộc rất nhiều vào gió và nhiệt độ mặt nước".
Oxy trong nước có thể đến từ tảo, rong biển, hoặc từ gió.
Cũng giống như các loài vật trên cạn, oxy cũng là yếu tố sống còn của các sinh vật biển. Tiến sĩ Long cho biết, oxy trong nước chủ yếu đến từ tảo, rong biển, nhưng đồng thời cũng đến từ gió.
Khi nhiệt độ nước tăng lên, oxy hấp thụ được sẽ giảm đi, đồng thời lượng oxy vốn có trong nước cũng khó lòng xuống đến những tầng nước sâu do sự chênh lệch nhiệt độ là khá cao. Điều này có nghĩa rằng những khu vực tầng đáy đại dương là nơi chịu ảnh hưởng lớn hơn cả.
Để chứng minh điều này, tiến sĩ Long và các cộng sự đã sử dụng một mô hình tính toán để đánh nhiệt độ của đại dương trong nhiều năm qua. Kết quả, họ nhận thấy quá trình khử oxy trong nước đang diễn ra và có tác động đến phía Nam của Ấn Độ Dương, một phần phía đông Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Theo như dự tính, nếu như tình hình biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục "giữ vững phong độ" như hiện nay, nồng độ oxy có thể giảm đến mức báo động trong 15 - 30 năm kế tiếp.
Và thậm chí, các nhà khoa học còn cho rằng hiện tượng này sẽ là nguyên nhân gây chết cá hàng loạt trong tương lai.