Khí hậu lạnh giá đã tàn phá các cánh rừng và ép nhiều loài động vật phải di chuyển về phương Nam.
Vào 34 triệu năm trước, khí hậu lạnh và khô kết hợp cùng với những biến động trong cấu trúc địa tầng của dãy Himalaya và Cao nguyên Tây Tạng đã làm phá hủy rất nhiều khu rừng nhiệt đới lớn ở châu Á. Đây là kết quả công trình nghiên cứu kéo dài nhiều năm của nhà cổ sinh vật học Xijun Ni và các đồng nghiệp tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc có trụ sở ở Bắc Kinh. Hiện tượng này đã khiến cho các loài linh trưởng phải vội vã di chuyển về phía Nam. Vì thế ở châu Á hiện này rất khan hiếm các hóa thạch của loài vượn người và linh trưởng.
"Một số cột mốc quan trọng trong quá trình tiến hóa từ vượn thành người lại được phát hiện ở châu Phi thay vì châu Á. Đến tận bây giờ chúng ta vẫn không thể giải thích được hiện tượng kì lạ này", nhà cổ sinh vật học K. Christopher Beard và cũng là đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết.
Biến đổi khí hậu luôn gây ra những hậu quả vô cùng to lớn đến Trái Đất và các loài sinh vật. (Nguồn ảnh: photobucket).
Sự khan hiếm của các hóa thạch linh trưởng ở châu Á vẫn còn là một bí ẩn không có lời giải. Trong khi đó, chỉ riêng vùng Ai Cập đã tìm thấy rất nhiều hóa thạch linh trưởng có niên đại từ khoảng 37 đến 30 triệu năm.
Và các nhà khoa học hiện nay cho rằng: chính vì sự biến đổi môi trường đã khiến cho loài linh trưởng bắt buộc phải di cư theo hướng tập trung từ châu Á sang châu Phi.
Các cuộc khai quật kéo dài từ năm 2008-2014 ở miền Nam Trung Quốc đã tìm thấy 48 chiếc răng và một số mảnh vỡ xương quai hàm thuộc về 6 loài linh trưởng khác nhau. Kết quả nghiên cứu địa chất cũng cho thấy: vùng này có cấu trúc địa lý đặc biệt, khiến cho một vạt rừng nhỏ vẫn còn sống sót trong môi trường khắc nghiệt vào thời điểm đó.
Ở kỉ Devon cách đây 360 triệu năm, biến đổi môi trường cũng đã gây ra những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Sự phát triển mạnh mẽ của thực vật đã làm giảm CO2, khiến khí hậu trở nên lạnh hơn, nhiều sinh vật không thích nghi được đã bị tiêu diệt.
Các sinh vật biển là nạn nhân chủ yếu: những rạn san hô - ngôi nhà của sinh vật biển chết hàng loạt kéo theo sự tuyệt chủng của rất nhiều loài. Ước tính có khoảng 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài đã bị tiêu diệt trong cuộc tuyệt chủng này.
Vào thời điểm hiện nay, biến đổi khí hậu lại xuất hiện một lần nữa và mang đến những hậu quả khó lường.
Quá trình thay đổi khí hậu trên Trái Đất có thể làm các loài sinh vật tuyệt chủng hàng loạt.
Các nhà khoa học Canada cho biết, quá trình thay đổi khí hậu trên Trái Đất có thể làm các loài sinh vật tuyệt chủng hàng loạt như một chuỗi domino bị đổ mà quân đầu tiên là các hoạt động bất bền vững của con người.
"Chúng tôi đã thấy các loài chim, động vật, côn trùng, thậm chí cả cây cối di cư sang nơi khác", nhà sinh thái học Jeremy Kerr nói. "Nhưng nhiều loài không di cư đủ nhanh để tránh hiểm họa tuyệt chủng".
"Các dự báo về một cuộc tuyệt chủng nhanh chóng, hàng loạt dường như là đúng", ông Kerr nói. Năm ngoái, dự án đánh giá sinh quyển Thiên niên kỷ (MA) cảnh báo: 30% các sinh vật trên Trái Đất sẽ biến mất vào năm 2050 nếu các nước tiếp tục thải các khí nhà kính ra môi trường.