Ngày 1/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố những bằng chứng khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đã tác động hết sức bất lợi đến sức khỏe con người.
WHO cho biết biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và tác động bất lợi của nó sẽ ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
Nhiệt độ Trái Đất và mực nước biển tăng cùng các sự kiện thời tiết tiêu cực làm bùng phát các bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết…, làm tăng sức lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
WHO ước tính hàng năm có tới 150.000 người ở các nước thu nhập thấp tử vong do tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực Đông Nam Á chiếm 30% số người nghèo trên thế giới đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của tình trạng trên.
Trong số 14 triệu người chết hàng năm ở khu vực này có tới 40% chết do các bệnh lây nhiễm. Biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của bệnh lây nhiễm tại khu vực này.
Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nền kinh tế các nước thu nhập thấp phụ thuộc vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên nên bị tác động bất lợi nghiêm trọng.
Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết nền kinh tế Thái Lan và Indonesia có thể bị thiệt hại tới 6,7% tổng thu nhập nội địa (GDP) vào năm 2010. Hầu hết các nước thu nhập thấp đều không đủ nguồn tài lực và hạ tầng cơ sở y tế cần thiết để đối phó với các bệnh bùng phát do biến đổi khí hậu.
WHO nhấn mạnh tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã trở nên khẩn cấp cả ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Phản ứng hiệu quả và bền vững cần đánh giá nguy cơ y tế, hành động nhất quán, đầu tư tài chính thỏa đáng hơn và phối hợp đa phương. Khu vực y tế phải đóng vai trò thiết yếu làm giảm biến đổi khí hậu và thích nghi với tác động bất lợi của nó./.