Nhờ vào sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tế bào gốc, giờ đây các tế bào tuyến tụy, ruột đã có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Biện pháp gọi là Edmonton Protocol được dùng để chữa trị bệnh tiểu đường. (Ảnh internet)
Tế bào gốc có thể được biến thành tế bào tuyến tụy vốn hết sức cần thiết để điều trị tiểu đường, cũng như tạo thành những lớp phức tạp trong tế bào ruột.
Trong một cuộc nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia của Đại học Georgetown tại Washington (Mỹ) đã biến tế bào tinh trùng chưa trưởng thành, hay còn gọi là tế bào gốc sinh tinh người, thành tế bào tụy tạng.
Cụ thể, chuyên gia Ian Gallicano và đồng sự đã sử dụng tế bào gốc toàn năng, tạo từ các tế bào gốc sinh tinh, và nuôi dưỡng những tế bào này trong phòng thí nghiệm với các hóa chất chuyên biệt để biến chúng thành những tế bào beta tuyến tụy, vốn đảm nhiệm chức năng sản sinh insulin.
Khi được cấy ghép vào chuột mắc bệnh tiểu đường, những tế bào này tạo ra insulin, hoạt động như các tế bào beta tuyến tụy mà cơ thể đã tiêu diệt một cách nhầm lẫn trong trường hợp bệnh tiểu đường dạng 1, Reuters dẫn lời ông Gallicano trong hội nghị mới đây về Sinh học tế bào trong xã hội Mỹ tại Philadelphia.
Hiện trẻ em và thanh niên mắc bệnh tiểu đường dạng 1 phải tiêm insulin suốt đời. Một vài người có thể được chữa trị bằng biện pháp gọi là Edmonton Protocol, theo đó các tế bào tuyến tụy sẽ được cấy ghép từ cơ quan hiến tặng ở người chết.
Tuy nhiên, cũng như nhiều trường hợp cấy ghép khác, nguồn cung thì quá ít không đáp ứng đủ cầu, và nếu các tế bào không tương thích tốt với nhau, bệnh nhân có thể lâm vào tình trạng cơ quan ghép chống lại vật chủ.
Gallicano cho hay, ưu điểm của phương pháp dùng tế bào gốc để tạo tế bào tụy tạng là bệnh nhân nam có thể dùng chính tế bào của mình làm nguồn cấy ghép, và theo chuyên gia này, có lẽ phương pháp tiếp cận tương tự cũng thực hiện được ở nữ giới.
"Trong khi các tế bào được thí nghiệm đến từ tinh hoàn người, công trình nghiên cứu này không phải dành riêng cho nam giới”, theo nhóm khoa học gia Đại học Georgetown. Họ khẳng định nghiên cứu này cũng có thể dễ dàng áp dụng cho noãn bào ở nữ.
Trong một cuộc nghiên cứu khác, James Wells và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Cincinnati ở Ohio (Mỹ) đã biến 2 loại tế bào gốc khác nhau thành những lớp phức tạp của tế bào ruột.
Họ sử dụng đồng thời tế bào phôi người và tế bào gốc toàn năng để biến chúng thành organoid (cơ quan tế bào), một khối các tế bào ruột làm từ những lớp khác nhau của nhiều loại tế bào để tạo nên ruột, bao gồm các tế bào cơ, những tế bào bên trong ruột và loại sản sinh ra một vài hợp chất tối quan trọng cho cơ thể.
Những cơ quan tế bào này có thể được sử dụng để nghiên cứu các căn bệnh về ruột như viêm ruột hoại tử, rối loạn đường ruột do viêm và các hội chứng ruột ngắn. Đó là chưa kể khả năng chữa những bệnh này trong một ngày không xa, theo Wells và đồng sự.