Biết nguy hiểm mà không đề phòng

Khẳng định các bệnh liên quan đến chất độc amiăng được xếp vào loại bệnh nguy hiểm, song Bộ Y tế lại chưa thống kê đầy đủ và cũng chưa nghiên cứu chi tiết về số người bị nhiễm bệnh do amiăng.

“Đây là một trong những lỗ hổng của việc quản lý sản xuất cũng như quản lý về sức khỏe của người bệnh liên quan đến amiăng”, TS. Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm khoa học môi trường và phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật và bảo hộ lao động khẳng định điều này tại buổi tọa đàm về “Thực trạng quản lý amiăng tại Việt Nam” do Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường tổ chức) ngày 16/3 tại Hà Nội.

Chưa có nghiên cứu hệ thống 

Công nhân làm việc trong môi trường chứa amiăng có nguy cơ ung thư cao. Ảnh: PN


Thống kê của Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy, mỗi năm Việt Nam đang nhập khẩu trên 60.000 tấn amiăng, trong đó 90% sử dụng cho sản xuất đá phiến xi măng – amiăng, số còn lại được sử dụng để sản xuất các chất liệu ma sát cho chi tiết phanh của các phương tiện cơ giới, các vật liệu cách điện. Cả nước có khoảng 40 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng - ximăng với công suất khoảng trên 70 triệu mét vuông/năm, thu hút lực lượng lao động khoảng hơn 10.000 người.

Theo Điều tra của Viện Nghiên cứu KHKT bảo hộ lao động, 92,5% người được hỏi biết tác hại của bụi amiăng, 80% mang quần áo bảo hộ lao động về nhà, 70% giặt quần áo bảo hộ lao động tại nhà, 50% ăn tại chỗ làm việc và 50% ngại sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân. Nhưng con số thống kê của Bộ Y tế từ năm 1976 đến năm 2006, trong 25.000 trường hợp mắc bệnh ho khí bụi chỉ có bốn trường hợp bệnh nghề nghiệp được thống kê liên quan đến amiăng. Con số này là chưa đầy đủ vì không có lý do gì chứng minh người Việt Nam có sức đề kháng tốt với amiăng như vậy.

TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Phó trưởng phòng sức khỏe nghề nghiệp và tai nạn thương tích, Cục Y tế dự phòng và Môi trường lý giải điều này: “Hơn 40 năm qua, Việt Nam không có những nghiên cứu chuyên sâu có tính hệ thống về tác động của amiăng đến môi trường sức khỏe của những công nhân tiếp xúc với amiăng”.

Có nên cấm sử dụng amiăng?

Hiện tại Việt Nam đã có văn bản cấm sử dụng amiăng xanh và nâu nhưng trong Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29.8.2008 lại cho sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp đến năm 2020. Theo TS. Phạm Văn Hải: “Đây là quãng thời gian dài cần bảo vệ sức khỏe cho người lao động vì đã là amiăng thì màu nào cũng độc. Con người hít phải bụi amiăng dù ít dù nhiều đều là độc hại. Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra điều này và nhiều nước đã nghiêm cấm sản xuất các sản phẩm có liên quan đến amiăng”.

Amiăng không chỉ nguy hiểm với sức khỏe của người lao động trực tiếp trong quá trình sản xuất mà còn gây lo ngại ngay cả khi thành sản phẩm tấm lợp xi măng - amiăng. “Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên quan chặt chẽ của những người sống dưới căn nhà có tấm lợp xi măng – amiăng với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, tuy nhiên tấm amiăng sử dụng lâu, sự liên kết sẽ kém đi. Khi tấm amiăng đó bở ra, các sợi amiăng sẽ nhả ra không khí. Khi đó người hít phải cũng nguy hiểm giống như trong các nhà máy sản xuất tấm này”, TS Hải nhận định.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng: “Về mức độ độc hại của amiăng ai cũng biết, tuy nhiên với việc có nên cấm sử dụng hay không cũng cần xem xét vì cần có những nghiên cứu theo dõi một cách hệ thống hơn”.

TS.Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho rằng “Cần có những nghiên cứu chuyên sâu và mang tính hệ thống hơn, nếu không người lao động sẽ thiệt thòi và cũng nguy hại cho môi trường sống của cộng đồng”.

Amiăng là loại sợi khoáng chất. Do có một số tính năng như bền kéo cao, bền hoá chất, bền nhiệt, độ dẫn điện thấp, cách âm, độ mềm dẻo lớn... nên nhiều nơi sử dụng vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, amiăng tạo ra những phản ứng ác tính, những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy tương quan giữa việc nhiễm amiăng và những bệnh u ác tính, những bệnh ung thư ít phổ biến khác như ung thư dạ dày, thực quản, ruột thừa, trực tràng.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video