BMI và tỉ lệ mỡ: Chỉ có một trong 2 chỉ số này thực sự quan trọng

Cả hai chỉ số BMI và tỉ lệ mỡ trong cơ thể đều được sử dụng để đo xem cơ thể bạn có khỏe mạnh hay không. Nhưng thật ra bạn chỉ cần sử dụng một trong hai chỉ số trên mà thôi, vì BMI không phải là một con số kỳ diệu như bạn vẫn nghĩ đâu.

Có thể bạn đã từng nghe đến và từng được đo chỉ số BMI, hay còn gọi là chỉ số khối cơ thể ở phòng khám hoặc ở trường học.


Bạn có thể tự đo chỉ số BMI chỉ với một chiếc cân, tuy nhiên xét về chỉ số sức khỏe thì chỉ số này không chuẩn xác. (Ảnh: Malte Mueller/Getty Images).

Dù chỉ số BMI được sử dụng rộng rãi trong việc theo dõi sức khỏe nhưng hóa ra chỉ số này không hoàn toàn chính xác, nhất là đối với những sắc tộc khác nhau. Thay vào đó, thứ mà chúng ta cần quan tâm chính là tỉ lệ mỡ trong cơ thể và mật độ phân bố mỡ trên cơ thể. Hai chỉ số này sẽ cho bạn biết được tình trạng sức khỏe tổng quát của mình một cách chính xác hơn.

Nếu bạn tò mò nguồn gốc của chỉ số BMI và muốn tìm hiểu vì sao tỉ lệ mỡ trong cơ thể lại liên quan đến sức khỏe thì hãy đọc tiếp bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.

Nguồn gốc chỉ số BMI

Người đầu tiên mà chúng ta cần nhắc đến chính là một nhà thống kê học người Bỉ có tên Lambert Adolph Jacque Quetelet, ông là người đã đưa ra khái niệm "trung bình xã hội". Ông đã nghiên cứu định nghĩa "con người trung bình" và muốn tìm ra một tỉ lệ phân phối mỡ để cơ thể ông có vòng eo chuẩn nhất. Năm 1835, Quetelet đã tìm ra công thức tính tương đối chính xác quan hệ giữa khối lượng cơ thể và chiều cao, đó là chiều cao chia cho bình phương cân nặng. Và từ đó, công thức tính chỉ số khối cơ thể đã ra đời, dù thời điểm đó nó chưa được gọi bằng cái tên này.

Dù liên quan nhiều đến toán học, tuy vậy điều quan trọng là Quetelet lại không phải là nhà vật lý học hay nghiên cứu về sức khỏe, ông chỉ đang tìm cách phân tích dân số mà thôi. Bảng chỉ số của Quetelet không phân biệt lượng cơ và mỡ, nó chỉ quan tâm đến tổng khối lượng của cơ thể. Vậy thì tại sao BMI lại được sử dụng như một chỉ số đánh giá sức khỏe?


Bảng chỉ số BMI. (Ảnh: IIFYB).

Trong những năm 1970, nhà nghiên cứu Ancel Keys đã tiến hành một thử nghiệm trên 7.500 người để tìm ra cách đo lượng mỡ trong cơ thể hiệu quả nhất. Sau khi thử nghiệm, tính chỉ số khối cơ thể, đo thủy lực và đo độ dày nếp da là ba cách hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để đo lượng mỡ trong cơ thể. Tuy nhiên, một vấn đề nảy ra là toàn bộ người tham gia nghiên cứu của Keys đều là nam giới và là người da trắng.

Hơn nữa, đến năm 1985, Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đã thay đổi định nghĩa về bệnh béo phì, trong đó bao gồm cả định nghĩa BMI. Theo đó BMI là "một phép tính đơn giản tương đương với các phép tính đo độ béo khác". Vì vậy, BMI đã trở thành một cách đơn giản để tính toán nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì.

Vì sao BMI lại không chính xác?

Không phải vì chúng đơn giản và không tốn nhiều chi phí thì chúng sẽ không chính xác với tất cả mọi người. Một lý do là vì khối lượng riêng của cơ bắp lớn hơn mỡ. Vì vậy nếu cơ thể bạn có tỉ lệ mỡ thấp nhưng cân nặng lại cao hơn mức trung bình so với chiều cao, thì chỉ số BMI có thể chỉ ra bạn bị béo phì, dù hoàn toàn không phải vậy.

Trong một nghiên cứu trên hàng nghìn người, những người phụ nữ Mỹ có gốc Phi có sức khỏe tốt hơn phụ nữ da trắng dù có chỉ số BMI tương đương nhau sau khi họ thực hiện các xét nghiệm đo huyết áp, cholesterol. Do vậy, có khả năng chỉ số BMI thể hiện rằng người da đen "không khỏe mạnh", dù thực tế là ngược lại.

Một số nghiên cứu khác cũng có kết quả tương tự. Một nhà nghiên cứu tại Đại học Tennessee cũng kết luận rằng: "So với người da trắng, người Mỹ gốc Phi ở cùng độ tuổi, giới tính, chu vi vòng eo, cân nặng và chiều cao có thể có tổng lượng mỡ và lượng mỡ bụng thấp hơn". Vì vậy, BMI sẽ đánh giá những người này có lượng mỡ vượt quá thực tế và đồng nghĩa với việc chỉ số này không chính xác.

BMI còn sai lệch khi áp dụng với người châu Á, nhưng ở chiều ngược lại so với người Mỹ gốc Phi. Một nghiên cứu theo dõi sức khỏe của hơn 78 nghìn phụ nữ tại Mỹ cho thấy người Mỹ gốc Á có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn ở mức chỉ số BMI thấp hơn so với người da trắng.

BMI và tỉ lệ mỡ

Giờ thì chúng ta đã biết lý do vì sao BMI không phải là con số kỳ diệu để tính toán độ khỏe mạnh của cơ thể cũng như phát hiện các nguy cơ mắc các bệnh. Chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một cách tính chính xác hơn nhiều, đó là tỉ lệ mỡ trong cơ thể.

Tỉ lệ mỡ đã chứng minh được độ chính xác của nó trong phát hiện nguy cơ mắc các bệnh loãng xương, tiêu đường và các bệnh nguy cơ tử vong cao nói chung, dù chỉ số BMI của những người này vẫn ở mức bình thường.

Các nhà khoa học hiện nay chưa hiểu rõ mối quan hệ giữa BMI, tỉ lệ mỡ và bệnh béo phì. Nhưng lý do giúp tỉ lệ mỡ có thể giúp chẩn đoán chính xác có thể là vì nó tính toán dựa trên khối lượng mỡ và phần cơ thể còn lại chứ không gộp chung tất cả như chỉ số BMI.

Đo tỉ lệ mỡ như thế nào?


Bạn chỉ việc đứng trước Naked Labs Body Scanner là thiết bị này đã có thể tính toán tỉ lệ mỡ trong cơ thể bạn. (Ảnh: Tyler Lizenby/CNET).

Có khá nhiều cách để đo tỉ lệ mỡ trong cơ thể, nhưng để có kết quả chính xác nhất, bạn nên đến tư vấn tại các phòng khám hoặc gặp bác sĩ dinh dưỡng. Tại các phòng khám chuyên kho sẽ có các thiết bị đo đạc một cách chính xác nhất như cân thủy lực hay máy quét DEXA.

Nếu bạn không có khả năng đến những phòng khám chuyên khoa, bạn vẫn có thể tự đo tại nhà. Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ có một số thiết bị có thể đo tương đối tỉ lệ mỡ bằng cách đo độ dày nếp da.

Tuy vậy, tỉ lệ mỡ trong cơ thể vẫn chưa đủ để kết luận một cách chuẩn xác về tình trạng cơ thể của bạn. Vị trí tích mỡ trên cơ thể cũng là một vấn đề đáng quan tâm đấy. Một số người tích mỡ tại vùng bụng, nhưng cũng có một số lại tích mỡ ở vùng "chữ V" bên dưới bụng, hay một số vị trí khác như ngực, hông… Mật độ phân bố mỡ trên cơ thể có thể do yếu tố môi trường tác động, như sử dụng rượu hay thuốc lá chẳng hạn, nhưng nó cũng bị tác động mạnh bởi yếu tố di truyền.

Để tìm ra mật độ phân bố mỡ trên cơ thể của mình, bạn có thể đo tỉ lệ giữa chu vi vòng eo và chu vi vòng hông của bạn. Nếu lượng mỡ tích ở vòng eo càng lớn (dạng hình quả táo và ngược lại là dạng hình quả lê) thì nguy cơ bạn mắc các bệnh tim mạch càng cao. Tỉ lệ trên 0,85 ở nữ và trên 0,9 ở nam được cho là có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì.

Nếu tỉ lệ vòng eo-hông hay tỉ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn con số bạn mong muốn thì cũng đừng quá lo lắng, vì con số này có thể thay đổi được. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy chế độ ăn kiêng giảm lượng thực phẩm nói chung có thể làm giảm tỉ lệ vòng eo-hông. Nếu bạn quan tâm đến việc giảm tỉ lệ mỡ, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Họ sẽ giúp bạn thiết lập một kế hoạch điều chỉnh cân nặng trong dài hạn phù hợp với thể trạng của bạn.

Cập nhật: 19/06/2020 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video